pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lâm Đồng: Phụ nữ xã Đưng K’Nớ chung tay đẩy lùi lạc hậu

Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, trao học bổng cho học sinh vượt khó trong học tập xã Đưng K'Nớ
Xã Đưng K'Nớ, cách trung tâm huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, 60km với hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Nơi đây còn khó khăn về đời sống kinh tế, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp của một bộ phận nhân dân còn nặng lối tư duy cũ, còn mang tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Bên cạnh đó, những vấn nạn về các tập tục lạc hậu còn tồn tại trong các dịp ma chay, cưới hỏi, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình còn diễn ra trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
Nhìn thẳng vào thực tế để có giải pháp kịp thời
Chia sẻ về những tồn tại ở địa phương, chị Phi Srỗn K’ Ham, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đưng K’Nớ cho biết: Đồng bào DTTS ở xã Đưng K’Nớ vẫn còn quan niệm lạc hậu rằng "con gái lớn lên dựng chồng, con trai lớn lên gả vợ, sinh con đẻ cái càng đông càng thêm vui". Một số phong tục, tập quán lạc hậu đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng DTTS trên địa bàn. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở địa phương diễn ra nhằm mục đích nối dõi và thừa kế tài sản gia tộc như đất đai, nhà ở… Ví dụ như việc con cô kết hôn với con cậu (con gái của chị lấy con trai của em) là để thừa hưởng gia sản của người cậu làm ra cho bên nhà vợ, tránh không cho người ngoài hoặc không cùng dòng máu thừa hưởng tài sản sẵn có ấy. Tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều là bởi mục đích gia đình sớm có thêm người làm việc...
Bên cạnh đó, một trong những vấn nạn còn tồn tại trong việc cưới xin của đồng bào DTTS dẫn đến nợ nần đó là tục thách cưới. Đồng bào nơi đây còn theo chế đố mẫu hệ nên nhiều gia đình nhà trai thách cưới nặng nề với suy nghĩ: nhà gái phải trả lễ cho nhà trai vì công sinh, công dưỡng của nhà trai đến khi lớn lấy vợ, về nhà vợ ở rể, làm việc cho gia đình nhà vợ, con cái theo họ mẹ...
Tất cả những hủ tục trên còn tồn tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế vốn đã khó khăn của bà con địa phương nơi đây.

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 90% dân số xã Đưng K'Nớ
Theo chị Phi Srỗn K’Ham, nếp sống văn hóa không tự nhiên có mà phải được khơi nguồn từ nhận thức, được vun đắp trong ý thức và hành động của mỗi người dân. Nhưng không phải người dân nào cũng nhận thức và hiểu biết đúng đắn để xây dựng nếp sống văn hóa ở địa bàn dân cư vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã Đưng K’Nớ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nâng cao kiến thức cho hội viên, từng bước thay đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc góp phần "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em.
Nhận thức rõ thực trạng của chế độ mẫu hệ, người phụ nữ đồng bào DTTS luôn có tiếng nói và vai trò trong gia đình. Do vậy, dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã Đưng K’Nớ đã xây dựng các câu lạc bộ (CLB), mô hình "Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", "Phụ nữ nuôi dạy con tốt", "Phụ nữ với kiến thức pháp luật", " Chi hội giúp một chị thoát nghèo", "Địa chỉ tin cậy"… Thông qua hoạt động của các mô hình, CLB từng bước nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ, vận động người dân không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Phát huy sự ảnh hưởng và vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS xã Đưng K'Nớ. Ảnh Lê Hoa
Hiện các CLB "Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" ở các chi hội phụ nữ hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Đơn cử như CLB "Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" của chi hội phụ nữ thôn Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ đã thu hút gần 40 hội viên tham gia sinh hoạt. Đều đặn mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần để Ban Chủ nhiệm tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cách nuôi con khỏe - dạy con ngoan, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Không chỉ tuyên truyền miệng, Ban Chủ nhiệm còn đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua hình ảnh trực quan sinh động, cả bằng tiếng K’Ho để hội viên dễ hiểu, dễ nắm bắt. Thông qua việc tuyên truyền và sinh hoạt CLB, những năm gần đây, thanh thiếu niên trong thôn Lán Tranh đến trường đầy đủ, không còn tình trạng bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm mạnh.
Tiếp tục đổi mới quyết tâm đẩy lùi hủ tục
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong vùng Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bộc lộ những hạn chế do hậu quả của những tập tục lạc hậu. "Phong tục tập quán của dân tộc đã được hình thành từ lâu đời và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tư tưởng của một số người dân không muốn thay đổi, việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục chưa được thường xuyên, liên tục; việc thực hiện hương ước, quy ước của thôn bản chưa nghiêm. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, vì vậy chưa thường xuyên quan tâm tới công tác này. Công tác nắm tình hình tư tưởng, thực trạng xã hội trong cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong địa bàn xã, nhất là những vùng đồng bào dân tộc còn phức tạp, nhạy cảm... có nơi, có thời điểm chưa kịp thời và thường xuyên. Việc quản lý an ninh tư tưởng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều sản phẩm văn hóa ngoài luồng, các trang mạng xã hội có nội dung chính trị xấu, phản động, lôi kéo mê tín, dị đoan, theo đạo lạ, tà đạo còn xâm nhập vào địa bàn song chậm bị phát hiện, ngăn chặn", lãnh đạo Hội LHPN xã Đưng K’Nớ chia sẻ.

Đời sống của hội viên phụ nữ và nhân dân thôn K’Nớ 1, xã Đưng K'Nớ ngày một đổi thay
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, chị Phi Srỗn K’ Ham, Chủ tịch Hội LHPN xã Đưng K’Nớ cho biết, trong thời gian tới, cấp ủy chính quyền cũng như Hội phụ nữ xã sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền góp phần đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đặc biệt về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, việc thách cưới… trên địa bàn. Hệ thống chính trị trong xã phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở thôn, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người tiêu biểu có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại địa bàn đưa chủ trương, chính sách đến với hội viên phụ nữ và người dân.
Hội LHPN xã chú trọng công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng; vận động, giáo dục, thuyết phục đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần.
"Xã Đưng K’Nớ sẽ ra sức chung tay thực hiện đẩy lùi hủ tục lạc hậu về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, việc thách cưới... trên địa bàn xã; góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, Nghị quyết của Hội phụ nữ các cấp cũng như Nghị quyết Đảng bộ đề ra nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo; xây dựng phát triển kinh tế xã hội ổn định, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chung tay xây dựng Nông thôn mới bền vững", Chủ tịch Hội LHPN xã Đưng K’Nớ Phi Srỗn K’Ham khẳng định.