Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Gánh nặng âm thầm đối với cộng đồng dân tộc thiểu số

An Khê
30/04/2025 - 22:43
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Gánh nặng âm thầm đối với cộng đồng dân tộc thiểu số

Bà Hoàng Thị Nguyên (bìa trái) tại cơ sở nuôi ong của hội viên - Ảnh: Kiều Trang

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ lâu đã là những vấn đề nhức nhối tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ để lại những hệ lụy nặng nề về sức khỏe sinh sản, tâm lý, kinh tế gia đình, tình trạng này còn ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng dân số và sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, công tác phòng ngừa, tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống luôn được các cấp Hội LHPN địa phương đặc biệt quan tâm. Để hiểu rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân cũng như các giải pháp đang được triển khai tại cơ sở, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Hoàng Thị Nguyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

+ Xin bà cho biết, hiện nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Mỹ Thuận đang diễn biến như thế nào? Có những con số hoặc trường hợp cụ thể nào đáng lưu ý không?

Về hôn nhân cận huyết thống, nhiều năm qua, xã Mỹ Thuận không ghi nhận trường hợp nào. Tuy nhiên, tảo hôn vẫn còn tồn tại rải rác, mỗi năm xã ghi nhận từ 1 đến 2 trường hợp.

Mặc dù chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hôn nhân, gia đình và tác hại của tảo hôn, nhưng hiện nay, do các em thanh thiếu niên tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, phim ảnh không lành mạnh, cùng với sự phát triển sinh lý sớm, nên tình trạng yêu sớm trong độ tuổi học đường vẫn diễn ra.

Nhiều em thiếu hiểu biết về tác hại của quan hệ tình dục sớm, đặc biệt là các biện pháp tránh thai hiện đại. Khi gia đình phát hiện ra mối quan hệ thì hầu hết các em đã mang thai ở tuổi vị thành niên, gây rất nhiều khó khăn cho công tác tư vấn, vận động tại cơ sở.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Gánh nặng âm thầm đối với cộng đồng dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Hội LHPN xã Mỹ Thuận đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Dự án 8

+ Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây ra những hậu quả gì đối với sức khỏe, tâm lý và đời sống kinh tế của các gia đình trẻ tại Mỹ Thuận?

Về sức khỏe, phụ nữ mang thai dưới 15 tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với phụ nữ trên 20 tuổi. Trẻ em sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống cũng có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như dị tật bẩm sinh, tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.

Về tâm lý, các cặp vợ chồng trẻ thường thiếu kinh nghiệm sống, kỹ năng chăm sóc gia đình, dễ dẫn đến khủng hoảng tâm lý, mâu thuẫn hôn nhân và tỷ lệ ly hôn cao.

Về kinh tế, nhiều cặp đôi phải bỏ học sớm, thiếu kỹ năng lao động, dẫn tới thu nhập thấp và cuộc sống khó khăn. Việc nuôi con khi còn quá trẻ tạo thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình, gia tăng tỷ lệ nghèo đói và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.

+ Trong thời gian qua, Hội LHPN xã Mỹ Thuận đã triển khai những hoạt động, mô hình nào để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hạn chế tình trạng này?

Hội LHPN xã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, chúng tôi đã thành lập và duy trì 4 Tổ truyền thông cộng đồng; phối hợp hỗ trợ thành lập 3 tổ nhóm sinh kế như nuôi vịt suối, gà thương phẩm, dê sinh sản; củng cố 5 Địa chỉ tin cậy cộng đồng; thành lập 2 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; tổ chức 14 cuộc đối thoại chính sách và 10 lớp tập huấn lồng ghép giới.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức các buổi tuyên truyền về luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, sử dụng tài liệu tuyên truyền phù hợp, tổ chức các hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo môi trường sống an toàn và bình đẳng hơn cho phụ nữ và trẻ em tại xã.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Gánh nặng âm thầm đối với cộng đồng dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Hội LHPN xã có các buổi tuyên truyền về luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, sử dụng tài liệu tuyên truyền phù hợp

+ Những định hướng tiếp theo mà Hội LHPN xã đặt ra nhằm giải quyết triệt để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là gì?

Chúng tôi xác định cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, hội thi, pano, áp phích. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản trong vận động người dân thay đổi nhận thức.

Chúng tôi cũng đề xuất đưa hành vi tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào hương ước, quy ước của thôn bản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song, tiếp tục hỗ trợ phát triển sinh kế, nâng cao đời sống cho phụ nữ, thanh thiếu niên và đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành để công tác phòng chống tảo hôn đạt hiệu quả cao hơn.

Trong quá trình vận động thay đổi nhận thức cộng đồng, Hội LHPN xã gặp phải những khó khăn gì?

Khó khăn lớn nhất là tư duy bảo thủ và ảnh hưởng của hủ tục. Một số người dân vẫn coi kết hôn sớm là bình thường, thậm chí tổ chức đám cưới nội bộ trong gia đình để né tránh sự kiểm tra của chính quyền.

Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cấp, ngành còn chưa đồng bộ; công tác phát hiện, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do các trường hợp tảo hôn thường giấu kín.

Chúng tôi xác định phải tiếp tục tăng cường nhận thức cộng đồng, phát triển mạng lưới truyền thông cộng đồng, thúc đẩy sự phối hợp liên ngành và hỗ trợ sinh kế bền vững cho phụ nữ và trẻ em.

+ Theo bà, cần những hỗ trợ gì từ cấp trên để công tác phòng chống tảo hôn đạt kết quả bền vững hơn?

Chúng tôi rất mong cấp trên tăng cường nguồn lực tài chính và nhân lực cho các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ sinh kế. Bên cạnh đó, cần tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho cán bộ cơ sở, hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững phù hợp với điều kiện địa phương.

Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát và xử lý vi phạm tảo hôn nghiêm khắc hơn, đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các tổ chức đoàn thể để công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đạt hiệu quả bền vững hơn.

+ Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm