Làm gì để hạn chế tai nạn thương tâm khi trẻ nghỉ tránh dịch

Linh Trần
24/04/2020 - 07:55
Làm gì để hạn chế tai nạn thương tâm khi trẻ nghỉ tránh dịch
Tai nạn thương tích với trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay. Để hạn chế tai nạn thương tích với trẻ, phụ huynh cũng cần trang bị những kiến thức để biết cách xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Anh nguy kịch, em tử vong

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh các cấp phải nghỉ học. Trong khi đó, nhiều gia đình cha mẹ vẫn phải đi làm. Vì vậy, nhiều gia đình đành phải cho con chơi ở nhà hoặc đem con gửi ông bà trông giúp. Trẻ thì hiếu động, tò mò muốn khám phá trong khi người lớn không thể để mắt thường xuyên được. Điều đó khiến tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào với trẻ. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ trong mùa dịch.

Đầu tháng 4/2020, Trung tâm Sản Nhi (BV Đa khoa Phú Thọ) đã tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi (ở TP. Việt Trì, Phú Thọ) bị bỏng cồn nặng. Gia đình cho biết, trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, bố mẹ bé đã mua cồn 90 độ dùng để sát khuẩn tay và vật dụng trong nhà. Trong lúc chơi đùa, bé hiếu động nghịch lửa với chai cồn khiến ngọn lửa bùng lên, gây bỏng nặng. Tại BV, bé được xác định bỏng khoảng 60% diện tích cơ thể, mức độ tổn thương độ 2 - 3 phối hợp, các tổn thương rộng, sâu đặc biệt là ở cơ quan sinh dục...

Cảnh báo tai nạn thương tâm với trẻ khi nghỉ tránh dịch - Ảnh 1.

Một bệnh nhân bị tai nạn thương tích được điều trị tại BV Đa khoa Phú Thọ

Cách đây vài ngày, BV Đa khoa Phú Thọ cũng tiếp nhận một bệnh nhi 30 tháng tuổi (trú tại TP. Việt Trì, Phú Thọ) bị ngã cầu thang từ tầng 2 xuống. Theo lời kể của gia đình, bé tự chơi một mình trên tầng 2 và chui đầu qua song chắn cầu thang. Bất ngờ, bé bị trượt chân ngã xuống đất. Gia đình phát hiện đưa bé đến BV. Tại BV, bé nôn nhiều, đầu chảy máu rồi rơi vào hôn mê. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh máu tụ vùng mái lều tiểu não hai bên và vỡ xương chẩm bên trái. Các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng kháng sinh, bổ não... để điều trị cho bé.

Tuy nhiên, đau lòng nhất là trường hợp hai anh em ruột ở phường Tân Hà (TP. Tuyên Quang) uống nhầm thuốc chuột, khiến một bé nguy kịch, một bé tử vong. Gia đình cho biết, chiều ngày 15/4, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bố mẹ đã gửi 2 bé là Đ.V.A (7 tuổi) và Đ.T.M (5 tuổi) sang nhờ ông bà trông giúp. Khoảng 14h30 cùng ngày, gia đình phát hiện hai bé nôn nhiều, mệt... nên đã hỏi. Bé lớn cho biết thấy lọ nước màu đỏ ở trên thành cửa sổ nên đã bắc ghế lấy xuống rồi 2 anh em chia nhau uống. Gia đình nghi bé đã uống nhầm thuốc diệt chuột nên đã đưa bé đến BV để cấp cứu. Tuy nhiên, một bé đã tử vong, một bé nguy kịch và được chuyển xuống BV Nhi TƯ để cấp cứu.

Cần nâng cao kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc (BV Nhi TƯ), tai nạn thương tích có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, các tai nạn thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước được. Nguyên nhân là bởi trẻ thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh.

Để giảm nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ, phụ huynh cần hết sức chú ý đến con, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học để phòng, tránh dịch bệnh như hiện nay. Theo đó, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước. Phụ huynh cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn; cất giấu những vật nguy hiểm kỹ càng, xa tầm với của trẻ. Phụ huynh cố gắng đảm bảo trẻ nhỏ luôn ở trong tầm mắt của mình, bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước khi gửi trẻ đến nhà ông bà hoặc người thân trông giúp, phụ huynh cần quan sát và loại trừ những yếu tố có nguy cơ gây tai nạn thương tích với trẻ. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý việc gia cố thêm các khoảng trống không an toàn, cất khỏi tầm nhìn, tầm với của trẻ những vật dụng nguy hiểm như dao, thuốc, các vật dụng dễ cháy...

Với những gia đình có con nhỏ, sẽ khó tránh khỏi những tình huống trẻ đối mặt với nguy hiểm. Vì thế, phụ huynh cần trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cơ bản nhất. Bởi trong trường hợp gặp phải, phụ huynh sơ cứu đúng cách sẽ giúp trẻ tránh được nguy hiểm đến tính mạng hay thương tích nặng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên.

"Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ", bác sĩ Duy nói.


Hướng dẫn sơ cứu một số tai nạn thường gặp

Khi trẻ bị bỏng

- Làm mát vết bỏng dưới vòi nước lạnh ít nhất 10 phút. Nếu không có nước, có thể dùng bất cứ chất lỏng vô hại nào như sữa. Sau đó, che vết bỏng bằng gạc hoặc chất liệu sạch không có lông, cố định gạc bằng cách quấn băng hờ.

- Tuyệt đối không làm vỡ hay chạm vào vết phồng rộp, cũng không được dán băng dính vào vết bỏng. Không bôi thuốc mỡ lên vết bỏng vì chúng không có tác dụng và chỉ làm tăng mức độ nghiêm trọng của vết bỏng.

Trẻ bị ngộ độc

Phụ huynh hãy tìm tới sự trợ giúp của các bác sĩ ngay lập tức. Trong thời gian chờ đợi, có thể tìm cách gây nôn cho bé. Trường hợp bé bất tỉnh, bạn hãy gọi xe cứu thương và đặt con nằm sấp bụng để khi nôn, trẻ không nuốt cả chất nôn.

Khi đến cơ sở y tế, phụ huynh cần mang chất gây ngộ độc để bác sĩ có thể thấy kiểm tra các thành phần độc tố có trong đồ ăn đó hay không.

Sơ cứu trẻ đuối nước

- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, dìu trẻ lên bờ rồi gọi người giúp đỡ.

- Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí và giữ ấm cho trẻ.

- Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng), móc hết đờm nhớt, dị vật trong miệng trẻ. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo mà trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim của trẻ đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay.

- Khi tỉnh lại sẽ nôn nhiều nước. Do đó, phụ huynh cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh trường hợp trẻ bị ngạt thở trở lại.

- Kiểm tra cơ thể trẻ xem có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.

- Nếu sơ cứu có kết quả, trẻ thở lại, cử động giãy giụa, hay vẫn còn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm