Lằn ranh giữa sự sống và cái chết của cô bé 14 tuổi

Lan Hương
26/10/2022 - 17:48
Lằn ranh giữa sự sống và cái chết của cô bé 14 tuổi

Bệnh nhi Phạm Thị Huệ đang được điều trị trong phòng Hồi sức Tích cực

Trong Khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), những bệnh nhân nặng, có khi gần giáp mặt với tử thần... Tất cả đều đang chiến đấu giành lại sự sống, trong đó có cô bé 14 tuổi đa chấn thương do tai nạn giao thông.

Nguy kịch sau vụ tai nạn

Chúng tôi bước vào căn phòng mà có lẽ không ai mong muốn có mặt tại đây. Nhưng các y, bác sĩ Khoa Hồi sức Tích cực - Bệnh viện Việt Đức vẫn ngày đêm "căng mình" vì sự sống cho những bệnh nhân trong tình trạng bị thương rất nặng. Tại đây, trông mọi thứ đều "lạnh toát", từng tiếng máy đo nhịp tim kêu trật nhịp cũng khiến tôi bất giác giật mình.  

Những khuôn mặt bị biến dạng, cơ thể trầy xước, chân tay bó bột, đến hơi thở cũng cần sự trợ giúp của các thiết bị y tế.  Một bệnh nhi ở giường số 14 đang được gắn máy thở nằm bất động trên giường đặc dụng với đầy những thương tích. Bệnh nhi đó là em Phạm Thị Huệ (14 tuổi, ở Ngọc Khê, Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Em gặp tai nạn giao thông với xe máy khi đang đi xe đạp điện tới trường ngày 12/10/2022. Trong tình trạng vô cùng nguy kịch, em được sơ cứu tại Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên, sau chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.

Bệnh nhi Phạm Thị Huệ được chẩn đoán đa chấn thương: Chấn thương sọ não (tụ máu ngoài màng cứng trái, dập não rải rác, phù não G8đ, vỡ xương sọ), Chấn thương hàm mặt (vỡ phức tạp xương hàm mặt), Chân thương ngực kín (gãy xương sườn 7-10 trái, tràn máu tràn khí màng phổi (T) đã dẫn lưu, xẹp phổi), Chân thương bụng kín (Chấn thương gan độ III đã nút mạch), gãy xương đùi (T).

Lằn ranh giữa sự sống và cái chết của cô bé 14 tuổi - Ảnh 1.

Bệnh nhi Phạm Thị Huệ đang được điều trị trong phòng Hồi sức Tích cực

Trao đổi về tình trạng bệnh nhân, PGS. TS Trịnh Văn Đồng cho biết: "Lúc vào viện, tình trạng bệnh nhân rất xấu, đe dọa tính mạng, phải thở bằng máy trong khi bão hòa oxy rất thấp. Các bác sĩ đã tính tới việc có phải làm ECMO hay không nhưng bệnh nhân đã được lọc máu và có tiến triển hơn. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh nhưng vẫn phải thở bằng máy. Ngoài ra, cháu còn bị gãy chân. Bụng vỡ gan đã hút mạch, tình trạng ổ bụng đang được tiếp tục theo dõi".

Vụ tai nạn giao thông khiến tình trạng của Huệ vô cùng nguy kịch, thân thể ấy đã chịu quá nhiều nỗi đau nhưng may mắn là cơ hội sống sót đã trở lại với em. Tuy nhiên, để lành những chấn thương còn là cả một quá trình điều trị rất dài.

Quá trình điều trị của Huệ cần những máy móc như: máy thở hiện đại, bơm tiêm truyền, bơm tiêm điện để phục vụ cho quá trình thở máy, lọc máu... Bên cạnh hệ thống máy móc hiện đại, chăm sóc tích cực những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch cũng cần được sự theo dõi, chăm sóc chuyên sâu, đặc biệt cần phải được hỗ trợ hô hấp rất phức tạp. Chính bởi thế, không ai khác, những y, bác sĩ làm việc tại khoa này là những người trực tiếp chăm sóc cho em, từ việc thay tã, vệ sinh cá nhân đến lo ăn uống… cho Huệ. Điều trị tại phòng Hồi sức Tích cực, mức viện phí khoảng 700.000 đồng/ngày, rất tốn kém và đó cũng là cả gánh nặng kinh tế với những gia đình khó khăn.

Nỗi lo của người cha

Nếu như ở các khoa lâm sàng khác trong bệnh viện, người nhà bệnh nhân có thể thay phiên nhau vào chăm sóc thì ở Khoa Hồi sức Tích cực, điều này được hạn chế tối đa nhằm hạn chế lây nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Bên cạnh Huệ lúc này ngoài các y, bác sĩ có người cha vẫn ngày đêm thúc trực nơi phòng chờ.

Dáng vẻ của một người trụ cột gia đình nay đã mất đi bao phần sức lực. Người đàn ông ấy bước từng bước chậm rãi, thẫn thờ. Trò chuyện với chúng tôi, anh như thu mình lại. Từng câu từ nói ra mà như nghẹn lại ở cổ họng của người cha: "Đang trên đường đi học thì con bị chị lớp 12 đâm phải…".

Trong đôi mắt của anh đã hoen đỏ nhưng nước mắt người đàn ông không dễ tuôn ra. Ánh mắt thao thức, lo lắng cho con bao đêm dài mất ngủ. Đôi mắt ngóng trông về ngôi nhà nhỏ ở quê, lo cho vợ và cậu con trai còn đang tuổi ăn tuổi học. Ngôi nhà vốn đầy ắp tiếng trẻ nô đùa, nay chỉ còn đầy những nỗi lo toan.

Lằn ranh giữa sự sống và cái chết của cô bé 14 tuổi - Ảnh 2.

Người cha thẫn thờ khi chia sẻ về bệnh tình của Huệ

Gia đình chủ yếu làm ruộng, bố Huệ đi làm thuê ở cửa hàng cơ khí, còn mẹ nấu ăn cho bếp của một trường mầm non tại địa phương. Nay bố ở Hà Nội lo cho em không thể đi làm được, mẹ ở nhà chạy khắp nơi lo tiền viện phí. Tính qua một số khoản, anh cho biết cũng đã hơn trăm triệu rồi và có lẽ số tiền ấy vẫn còn tăng lên mỗi ngày trong từng quá trình điều trị. Đôi tay người cha lại run lên, anh giữ bình tĩnh bằng cách siết chặt chặt chúng vào nhau. Đôi bàn tay ấy ngày trước bế bồng đứa con nhỏ, nay đôi bàn tay lao động của hai vợ chồng không biết bươn chải đến bao giờ mới tích cóp được đủ tiền để trang trải cho việc chữa trị của con…

Trước hoàn cảnh khó khăn này, gia dình em Huệ rất mong nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.

Mọi giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin vui lòng gửi về địa chỉ:

Tên tài khoản: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Số tài khoản: 12210002100700

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Thành (BIDV)

Nội dung: Ủng hộ bệnh nhân MS 2051 Phạm Thị Huệ 14t

Mottainai 2022 do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức là chuỗi hoạt động, bao gồm cả trực tiếp (offline) và trực tuyến (online). Sự kiện kêu gọi cộng đồng thúc đẩy lối sống Xanh, bảo vệ môi trường, gây quỹ hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông, trẻ mồ côi do Covid-19.

Với sự bảo trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, sự đồng hành của các đơn vị, tổ chức uy tín, dự kiến năm nay, Chương trình Mottainai sẽ có nhiều điểm đáng chú ý:

- Kết nối các hoạt động Mottainai Việt Nam - Nhật Bản;

- Gây quỹ + quyên góp đồ trao tặng chương trình;

- Livestream (11h30 thứ 6 hàng tuần) giao lưu/giới thiệu các hoạt động xã hội của Doanh nghiệp tham gia + đấu giá đồ tặng Mottainai trên fanpage https://www.facebook.com/baophunuvn/; https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam/

- Thăm/tặng quà hỗ trợ cho các trẻ em là nạn nhân tai nạn giao thông, trẻ mồ côi do Covid-19;

- Chương trình Mottainai 2022 có 4 đại sứ là những người nổi tiếng cùng lan tỏa thông điệp nhân văn. Đó là MC-diễn viên Bình Minh, diễn viên Lan Phương, Miss Photo Vũ Hương Giang và Hoa khôi Vầng trăng khuyết 2019 Bế Thị Băng - cô gái bị mất 1 chân do tai nạn giao thông;

- Đặc biệt, Ngày hội Giáng sinh "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) vào đúng Noel 24/12/2022. Ngày hội dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, các nghệ sĩ tên tuổi, các "Mẹ đỡ đầu", CLB võ thuật Việt Nhật, CLB Áo dài Việt Nam, các nhóm Tái chế + Sống xanh, các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, biểu diễn dân vũ…

Dự kiến sẽ có thêm hàng chục ngàn người tương tác trực tiếp và qua Internet trong mùa thứ 9 của Chương trình quyên góp đồ đã qua sử dụng vì mục tiêu nhân đạo lớn nhất Việt Nam này. Các kênh trực tuyến quyên góp/đấu giá đồ Mottainai sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 12/2022.

Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 1.
Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 2.
Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 3.
Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 4.

Những điểm đáng chú ý của Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" 2022 - Ảnh 5.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm