pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới

Tuyến đường rực rỡ sắc hoa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Làng quê đổi thay, người dân phấn khởi
Sau 5 năm triển khai thực hiện (2021 - 2025), Cuộc vận động không chỉ góp phần quan trọng trong hoàn thiện hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn là "chất keo" gắn kết cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh.
Đồng Liên (nay thuộc phường Gia Sàng, Thái Nguyên) là một xã thuần nông nằm ven con sông Cầu, trước đây nổi tiếng với những con đường đất lầy lội, những căn nhà xuống cấp và cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, kể từ khi chương trình NTM được triển khai cách đây vài năm, Đồng Liên đã có sự "thay da đổi thịt" đáng kinh ngạc, mang lại niềm phấn khởi không nhỏ cho người dân nơi đây.
Bà Trần Thị Hoa, 65 tuổi, một người dân gắn bó cả đời với xã Đồng Liên, không giấu nổi sự xúc động khi kể về những thay đổi: "Ngày xưa đi lại khó khăn lắm, mưa xuống là lầy lội không đi được xe máy. Giờ thì đường làng ngõ xóm được bê tông hóa hết rồi, sạch đẹp tinh tươm. Mấy đứa cháu tôi đi học cũng tiện hơn nhiều". Con đường liên thôn ngày nào chỉ là lối mòn nhỏ hẹp, nay đã được mở rộng, trải nhựa phẳng lì, giúp việc giao thương, vận chuyển nông sản của bà con thuận tiện hơn rất nhiều.

Người dân Thái Nguyên chỉnh trang đường làng, ngõ xóm và dọn dẹp vệ sinh môi trường nông thôn.
Không chỉ có đường sá, hệ thống điện, nước sạch cũng được đầu tư nâng cấp. Nếu như trước đây điện yếu, nhiều khi cúp điện liên tục, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt thì giờ điện đã ổn định rồi, bà con mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ nông nghiệp như máy xay xát, máy bơm nước. Nước sạch cũng về tận nhà, không còn phải lo lắng dùng nước giếng khoan ô nhiễm.
Điều đáng nói là sự phấn khởi của người dân không chỉ đến từ những thay đổi về cơ sở hạ tầng mà còn từ sự nâng cao đời sống tinh thần. Nhà văn hóa xã được xây mới khang trang, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo người dân tham gia.
"Trái ngọt" đến từ sức mạnh đoàn kết
Trong giai đoạn 2021 - 2025, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hiến trên 2,1 triệu m² đất, trên 129.000 ngày công lao động, đóng góp hàng trăm tỷ đồng để làm đường, công trình dân sinh. Nhờ đó, Thái Nguyên (trước thời điểm ngày 1/7/2025) đã có 117/121 xã đạt chuẩn NTM (97%); 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (42,7%); 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (10,3%); 7 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đặc biệt, cuộc vận động đã lồng ghép hiệu quả với các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội. Hưởng ứng phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", trong 5 năm qua, toàn tỉnh huy động 683,8 tỷ đồng cho Quỹ "Vì người nghèo", hỗ trợ xây mới, sửa chữa 3.264 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Riêng trong Chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025", Thái Nguyên đã về đích trước kế hoạch 8 tháng, là một trong 3 tỉnh hoàn thành sớm nhất cả nước. Bên cạnh đó, vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, tỉnh tổ chức "Tuần cao điểm Tết vì người nghèo", đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo được nhận quà.

Người dân tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất và ngày công lao động để mở rộng đường NTM.
Song song với phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, cuộc vận động cũng thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị văn hóa, tinh thần trong cộng đồng. Hằng năm, trên 98% khu dân cư tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc", với nhiều hoạt động sôi nổi như biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, vinh danh các gia đình văn hóa.
Hệ thống câu lạc bộ, mô hình sở thích (văn nghệ, thể thao, dưỡng sinh...) được duy trì và nhân rộng, tạo không gian gắn kết cộng đồng và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, toàn tỉnh đã duy trì gần 1.000 mô hình tự quản ở khu dân cư, tổ chức thu gom rác thải định kỳ, xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trồng hoa ven đường, làm tuyến đường cờ Đảng, cờ Tổ quốc, đèn Led… góp phần xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.
An ninh trật tự cũng là một tiêu chí quan trọng được gắn với Cuộc vận động. Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình như "Tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống tội phạm, ma tuý"; "Khu dân cư tự quản đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông", mô hình "Camera an ninh", "Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội"…
Thêm vào đó, MTTQ còn tích cực phát huy dân chủ, thúc đẩy vai trò giám sát, phản biện xã hội. Trong 5 năm, MTTQ các cấp đã giám sát trên 1.500 chuyên đề, phản biện 477 văn bản, giám sát 2.642 công trình, dự án tại cơ sở, chủ yếu là các công trình xây dựng NTM, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư.