Làng gieo chữ nổi danh xứ Huế

Khôi Nguyên
20/04/2020 - 14:47
Làng gieo chữ nổi danh xứ Huế

Một giáo viên người làng Phước Tích đang dạy ở Trường THCS Phong Hòa. Ảnh: Đăng Tuyên

Không có ruộng để cày cấy, dân làng Phước Tích (Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) mong muốn “gieo chữ” cho con cháu để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Vỏn vẹn trên 450 nhân khẩu nhưng cả làng có đến 30 tiến sĩ, thạc sĩ và hơn 300 cử nhân đang làm nghề dạy học.

Nằm bên dòng sông Ô Lâu trù phú nhưng làng Phước Tích lại không có ruộng để canh tác. Người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề gốm. Công việc vất vả lại bấp bênh nên những người thợ gốm vẫn còn nghèo. Tự trong sâu thẳm, dân làng Phước Tích vẫn khát khao được học. Cứ thế, nét đẹp văn hóa "một kho vàng không bằng một nang chữ" lan tỏa qua bao thế hệ.

Niềm tự hào của dân làng Phước Tích là miếu Văn Thánh. Biểu hiện của truyền thống "tôn sư trọng đạo", ngôi miếu là nơi chứng kiến bao người thành đạt cũng như nhắc nhở thế hệ mai sau phải rèn đức, luyện tài. Chuyện dưới thời vua Gia Long, làng Phước Tích đã có cụ Nguyễn Văn Kham thi đỗ tú tài, là người phát khoa của làng, về sau làng có hơn 20 người thi đỗ tú tài, cử nhân, có người làm đến tri huyện, tri phủ, thị giảng học sĩ Hàn lâm viện... Từ năm Thành Thái thứ 2 (1890), 11 thí sinh và khóa sinh trong làng làm đơn xin trưng đất ở, lập nên xóm Hội (tên chữ là Xuân Viên) nhằm cùng nhau tu chí học hành, dạy dỗ con em theo đường học vấn nên còn gọi là xóm Học.

Làng gieo chữ nổi danh xứ Huế - Ảnh 1.

Miếu Văn Thánh

Về Phước Tích, tôi nghe ông Lương Vĩnh Viễn, một cựu giáo chức ở tuổi "xưa nay hiếm", kể về chuyện học của làng như "của để dành". Xưa ở vùng này có một ngôi trường rất đông học sinh, chủ yếu là con em Phước Tích. Dẫu có lam lũ với khói nung, bụi bẩn cả ngày thì đêm đêm họ vẫn thắp đèn dầu để đến lớp. Không chỉ học để biết chữ mà học xong, họ còn về dạy cho con em trong vùng.

Theo trưởng thôn Hoàng Tấn Minh, làng chỉ có 117 hộ, 452 nhân khẩu nhưng có đến trên 300 nhà giáo.Tính ra, nhà nào cũng có người theo nghề giáo, có nhà tới 5 - 6 giáo viên. Có người dạy học gần làng, có người lên thành phố và các vùng lân cận, xa hơn thì vào Nam ra Bắc. Số giáo viên dạy trên các giảng đường đại học cũng nhiều. Thêm một sự kết hợp ngẫu nhiên khá thú vị khi nhiều nhà giáo ở Phước Tích lại chọn người bạn đời là những giáo viên, khiến số lượng nhà giáo trong làng cứ thế tăng lên.

Thật đáng trân trọng khi ở làng Phước Tích không chỉ có mối quan hệ "hàng xóm láng giềng" mà còn là tình thầy trò. Ở nhiều gia đình, cha mẹ, con cái đều học cùng một thầy. Thầy giáo Nguyễn Bá Nhân, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hòa, cũng là người con của làng, nói: "Các em ở làng Phước Tích đều không đi học thêm. Giáo viên dạy đủ các bộ môn đều sống ở đây, cấp nào cũng có. Ngày xưa hễ làm bài tập không ra, tôi cứ cầm sách vở chạy sang nhà các thầy cô để hỏi. Đến khi đi thực tập, cần kinh nghiệm truyền đạt, tôi cũng lại tìm về thầy cũ của mình".

Làng gieo chữ nổi danh xứ Huế - Ảnh 2.

Học trò về thăm thầy giáo

Gìn giữ nếp nhà

Trong những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi, câu đối hay bức hoành phi được đặt ở vị trí trang trọng. Gian bên trái của nhiều ngôi nhà truyền thống vẫn còn lưu giữ những tủ sách gia đình. Chúng tôi đến nhà ông Lê Trọng Đào, giáo chức về hưu, cũng là gia đình có đến 6 người theo nghề giáo. Những trang giáo án, những cuốn sách quý được ông lưu giữ cẩn thận như kỷ vật quý. Vợ chồng ông giáo làng ở tuổi 75 ánh lên niềm tự hào khi kể về những cô cậu học trò: "Hồi ấy, nhiều em ăn uống thiếu thốn nhưng sách vở lúc nào cũng tươm tất. Các em ham học lắm, hễ rảnh rỗi lại sang nhà thầy mượn sách để đọc. Thuở xưa, tiền bạc không có, sách lại khan hiếm nên hễ đọc được thông tin hay, tôi lại chép ra sổ để các em tham khảo".

Trong làng hiện vẫn còn trên 20 giáo viên về hưu và 40 giáo viên đang dạy ở các trường từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn xã Phong Hòa. Thế nên, nhiều gia đình vẫn giữ nếp nhà khi ông bà kèm cặp cho cháu học, bố mẹ vừa soạn giáo án, vừa hướng dẫn con tìm tài liệu để bổ sung kiến thức.

Giữ nghề giáo cho làng cũng là trọng trách của bao thế hệ giáo viên có tâm huyết. Họ tìm đến nhau thành lập nên đội giáo chức hùng hậu với 50 người để xây dựng nguồn quỹ ổn định. Lệ làng vẫn giữ được khi những em học giỏi luôn được tôn vinh ở miếu Văn Thánh vào những lễ tế thu. Những em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bổng, không để các em bỏ học giữa chừng. "Hằng năm, 100% học sinh làng Phước Tích đều đỗ cấp 3 và khoảng 80% đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Các em đều chăm chỉ học tập nên đa phần con em trong làng ra trường đều có công ăn việc làm ổn định", thôn trưởng Hoàng Tấn Minh cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm