pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làng gốm Chăm Bàu Trúc: Người dân tích cực "lên mạng" quảng bá sản phẩm

Các nghệ nhân tạo hoa văn trên gốm
Ở làng gốm Bàu Trúc, từng khối đất, từng vết chạm gốm đều ẩn chứa dòng chảy ký ức hàng trăm năm của cộng đồng người Chăm. Song, nếu chỉ dừng lại ở ký ức, gốm Bàu Trúc sẽ khó đứng vững giữa thời đại công nghiệp 4.0. Nhận ra điều đó, những người con của làng đã chủ động thích nghi, đưa công nghệ vào thiết kế, cải tiến mẫu mã, đẩy mạnh quảng bá để đưa sản phẩm đến gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.
Bà Đàng Thị Tuyết Hạnh, nghệ nhân nhiều năm gắn bó với nghề, trước kia chỉ sản xuất gốm phục vụ dân dụng như: lu, nồi đất, thạp… nhưng giờ đây bà đã chuyển sáng làm gốm mỹ nghệ, đưa sản phẩm gốm đến với thị trường trong và ngoài nước. Sự thay đổi tư duy ấy đã giúp gia đình bà ổn định thu nhập, truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ Chăm mạnh dạn đổi mới nghề truyền thống.
Tinh thần kế thừa và sáng tạo ở làng gốm Bàu Trúc cũng đang được trao truyền cho thế hệ trẻ. Em Đàng Nhĩ Khang, 17 tuổi, đã gắn bó 3 năm với nghề và tạo ra hàng trăm sản phẩm độc đáo.

Những người con của làng gốm Bàu Trúc đã chủ động đưa công nghệ vào thiết kế, cải tiến mẫu mã, đẩy mạnh quảng bá để đưa sản phẩm đến gần hơn với thị trường trong và ngoài nước
Không dừng ở việc đổi mới sản phẩm, người dân ở làng gốm Bàu Trúc còn biết cách kể câu chuyện gốm vói nhiều "ngôn ngữ" hiện đại: xây dựng website giới thiệu làng nghề, quảng bá qua Facebook, Zalo, thành lập CLB nhạc cụ truyền thống gắn với du lịch làng nghề, từ đó mở rộng không gian tiếp cận và trải nghiệm cho du khách. Một số sản phẩm gốm cao cấp hiện có giá trị từ 30 đến 40 triệu đồng, khẳng định sức sống mới của thương hiệu gốm Chăm giữa thị trường.
Theo ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc, yếu tố giữ chân khách hàng chính là sự dung hòa giữa bảo tồn văn hóa và thích nghi linh hoạt với thị trường. Dù có lúc vắng khách, những người thợ gốm vẫn kiên trì "lên mạng quảng bá", học hỏi cách làm thương mại điện tử để sản phẩm của họ vượt ra khỏi giới hạn địa phương.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ chính của gốm Bàu Trúc là TPHCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa và một phần được xuất khẩu ra nước ngoài. Sự chủ động sản xuất theo đơn hàng và dòng gốm mới có giá trị cao giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên trong làng nghề.