pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lạng Sơn: Chủ động phối hợp triển khai với các sở, ngành để gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án 8
Từ khi Dự án 8 được triển khai thực hiện tại tỉnh Lạng Sơn, đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số và trẻ em đã có nhiều thay đổi
Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện Dự án 8 tại địa phương.
- Xin bà chia sẻ một vài thông tin về tình hình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh nhà?
Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn
Bà Vũ Thị Huyền Trang: Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn có trên 220.000 hội viên phụ nữ, trong đó hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 83% (khoảng trên 170.000 chị em). Đặc điểm chung của hội viên phụ nữ trong tỉnh là chất phác, cần cù, chịu khó và chủ động trong học tập nâng cao kiến thức, tiếp cận với khoa học kỹ thuật để chăm lo cho gia đình cũng như phát triển kinh tế.
- Từ khi Dự án 8 được triển khai thực hiện tại tỉnh, đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số và trẻ em đã có nhiều thay đổi. Bà có thể điểm lại một số những cái dấu ấn nổi bật của trong quá trình triển khai dự án?
Bà Vũ Thị Huyền Trang: Trước hết, Dự án 8 triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia đã nhận được sự quan tâm rất sát sao của lãnh đạo, UBND tỉnh để kịp thời để đưa ra những kế hoạch, chương trình phân công, giao nhiệm vụ từ sớm. Hiện tại, đến thời điểm này, một số chỉ tiêu trong thực hiện dự án của Dự án 8 tại Lạng Sơn đã vượt ra kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như chỉ tiêu về xây dựng tổ chức cộng đồng, các địa chỉ tin cậy, các khóa đào tạo nâng cao năng lực và công tác tuyên truyền, công tác truyền thông. Chúng tôi thấy đó là những dấu ấn và nổi bật nhất là các hoạt động được triển khai đồng loạt từ cấp xã cho đến cấp tỉnh, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm và dần dần thay đổi định kiến giới, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ.
- Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn còn có những cái khó khăn, vướng mắc gì cần phải giải quyết?
Bà Vũ Thị Huyền Trang: Khi triển khai Dự án 8, khó khăn trước hết chúng tôi thấy là hướng dẫn từ các cơ quan Trung ương về thực hiện Dự án 8. Ngay khi bắt đầu triển khai đã có một nội dung phải dừng hoạt động là Tổ tiết kiệm thôn bản. Một số các nội dung cũng chưa cụ thể, thông tư hướng dẫn cho cho Dự án 8 bị bó hẹp. Mặc dù hiện nay những khó khăn này đã được tháo gỡ phần nào, song vẫn còn có một số vướng mắc. Về mặt thông tư, hướng dẫn chưa thực sự đồng bộ và chưa thực sự đáp ứng được thực tiễn đặt ra.
Đối với địa phương, nguồn vốn đối ứng của địa phương đối với tỉnh Lạng Sơn, nhất là đối với các huyện hiện nay còn khó khăn để duy trì các mô hình đã thành lập. Bên cạnh đó, địa bàn của Lạng Sơn cũng bắt đầu bị thu hẹp do ghép thôn, bản, ghép địa bàn hành chính các xã. Khi địa bàn bị thu hẹp thì các đối tượng thụ hưởng của Dự án cũng bị thu hẹp.
Khó khăn tiếp theo ở địa phương là cơ sở vật chất như nhà văn hóa, địa điểm tổ chức các hoạt động truyền thống tại các địa bàn thôn bản còn hạn chế, đặc biệt là ở những thôn bản đặc biệt khó khăn, xa trung tâm, mức độ địa bàn của dân cư thưa thớt… Đó là lý do các hoạt động truyền thông sâu rộng đến các địa bàn còn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
- Tỉnh Lạng Sơn đã có những kinh nghiệm gì của riêng địa phương để triển khai hiệu quả Dự án 8?
Bà Vũ Thị Huyền Trang: Kinh nghiệm đầu tiên là vai trò chủ động tham mưu của Hội LHPN tỉnh với Tỉnh uỷ, Ủy ban, Hội đồng nhân dân để triển khai kế hoạch chung. Tiếp đó, Hội LHPN, Ủy ban đã đưa ra được kế hoạch giai đoạn cũng như kế hoạch hàng năm. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn hướng dẫn ngay từ sớm cho cán bộ để triển khai các hoạt động nhanh và kịp thời.
Kinh nghiệm thứ 2 là công tác phối hợp để triển khai Dự án rất quan trọng, vì Dự án 8 liên quan tới nhiều cơ quan ban ngành. Chúng tôi chủ động phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Sở Tài chính và các cơ quan khác trong hướng dẫn về nghiệp vụ, nội dung. Chúng tôi nhận thấy, sự phối hợp này đã giúp tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong quá trình 3 năm thực hiện vừa qua.
Kinh nghiệm thứ 3 của chúng tôi là hướng dẫn "cầm tay chỉ việc". Bởi Dự án 8 là dự án đầu tiên Hội LHPN các cấp được giao chủ trì triển khai, mà lại có nhiều cái khó, cái vướng; nên Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN các địa phương thường xuyên giao ban nội bộ, thực hiện riêng chuyên đề tập huấn hướng dẫn để đội ngũ cán bộ Hội triển khai các hoạt động đúng và hiệu quả.
- Xin cảm ơn bà!