pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các nội dung của Dự án 8 đã và đang thực sự đi vào cuộc sống
Các nội dung của Dự án 8 đã và đang thực sự đi vào cuộc sống.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 10 dự án thành phần, trong đó giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em". Dự án 8 được thực hiện tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Quảng Trị.
Với vai trò được giao là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, về những kết quả mà các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được sau 4 năm thực hiện dự án.
- Sau 4 năm thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", những kết quả Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đạt được là gì, thưa bà?
Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị luôn nhận được sự lãnh chỉ đạo, định hướng sát sao của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở đó, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã ban hành các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo điểm các hoạt động dự án đến cấp huyện, cơ sở. Các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, đã chủ động phối hợp, lồng ghép, vận động các nguồn lực triển khai các hoạt động dự án.
Các hoạt động của Dự án 8 được triển khai bám sát yêu cầu định hướng của dự án, vừa mang tính toàn diện, cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Các hoạt động tại cấp tỉnh cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Ở cấp huyện và cơ sở, Hội LHPN và các cấp chính quyền, các ngành liên quan đã nỗ lực, trách nhiệm thực hiện đạt được một số kết quả tích cực bước đầu triển khai dự án.
Các nội dung của Dự án 8 đã và đang thực sự đi vào cuộc sống, được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Bước đầu thực hiện Dự án 8 không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới, quyền lợi trẻ em mà còn góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện miền núi.
Những năm qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh xây dựng, thành lập các mô hình can thiệp, tổ nhóm tiên phong tại cộng đồng, đã xây dựng 144 "Tổ truyền thông cộng đồng", 39 "Địa chỉ tin cậy", 29 "Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi", 4 tổ sinh kế tại cơ sở. Các mô hình đã đi vào vận hành hoạt động, đã lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân.
Thành viên của các Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tuyên tuyền, vận động người dân địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, tập trung vào các vấn đề nổi cộm tại từng địa phương như: tảo hôn, bạo lực gia đình, bình đẳng giới...
Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung tuyên truyền các hoạt động của Dự án 8. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật các hoạt động của Dự án 8 trên trang Web, Fanpage của Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, các nhóm Zalo, Facebook của các cấp Hội.
Tổ chức 30 chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng tảo hôn... xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em; quy mô cấp huyện và cụm xã có 4.250 người tham gia. Tổ chức 23 cuộc đối thoại có 2.458 người tham gia. Tổ chức 204 lớp tập huấn, Hội nghị triển khai và hướng dẫn xây dựng thành lập và vận hành tổ truyền thông, Địa chỉ tin cậy; CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi.
Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số cải thiện đời sống như: Hỗ trợ 60 dê giống cho mô hình "Chăn nuôi dê sinh sản quay vòng" cho 30 hộ của 3 xã thuộc huyện Hướng Hóa, mô hình "Trồng chuối lùn bản địa" cho 10 hộ xã Tà Long, huyện Đakrông. Hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng tại thôn Tà Lao, xã Tà Long với 15 thành viên; thành lập tổ liên kết: chăn nuôi dê sinh sản và trồng lúa nếp than.
Phối hợp với tổ chức Plan tại Quảng Trị triển khai thực hiện 3 dự án: "Làm cha mẹ có trách nhiệm giới để chăm sóc và phát triển toàn diện cho trẻ em", "Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Quảng Trị", "Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại Quảng Trị".
Phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức Diễn đàn, nói chuyện chuyên đề về cơ hội học nghề, có việc làm và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội phụ nữ và truyền thông viên các cấp về hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ và người dân sinh sống trên địa bàn huyện Đakrông.
Phối hợp với Sở Thông tin truyền thông tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho 60 phụ nữ dân tộc thiếu số.
- Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay còn tồn tại những vấn đề gì khiến phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số chịu thiệt thòi?
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn tình trạng tảo hôn ở 1 số xã (A Vao, A Bung, A Ngo, thuộc huyện Đakrông; xã Lìa, Xy, A Dơi, Hướng Lập…huyện Hướng Hóa). Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra.
Trình độ nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, chị em quen với tập quán sản xuất lạc hậu; trong khi đó nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình hạn hẹp nên chưa xây dựng được các mô hình sinh kế, nhất là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
- Trong thời gian tới những nội dung nào sẽ được Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tập trung triển khai để giải quyết các vấn đề còn tồn tại một cách hiệu quả?
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội LHPN trên địa bàn thành lập mới các tổ truyền thông cộng đồng; mô hình Địa chỉ tin cậy; CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi; duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình. Duy trì thực hiện có hiệu quả các tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường.
Tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản. Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Tổ chức Hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, và mua bán phụ nữ và trẻ em.
Tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ xã, thôn tổ chức Đối thoại chính sách ở cấp cơ sở; tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã đảm bảo chỉ tiêu đề ra; thực hiện giám sát xã hội theo chủ đề/vấn đề do Hội chủ động đề xuất, chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.
Xây dựng chương trình phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng, gồm: cán bộ thôn bản, người có uy tín trong thôn; xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!