pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lạng Sơn: “Con nuôi của Hội” sưởi ấm trái tim trẻ em thiệt thòi
Hội LHPN xã Đề Thám là cô bé Hoàng Thu Hương (SN 2010), cũng ở thôn Cốc Slầy (Ảnh: PNĐT)
Những đứa trẻ không cười
Hiện Hội LHPN xã Đề Thám có 3 con nuôi, đó là cậu bé Triệu Quốc Chung (SN 2013), ở thôn Cốc Slầy. Ngày đầu tiếp cận, gặp mặt cậu bé có gương mặt vương nét buồn khiến trái tim các chị cán bộ Hội phụ nữ bỗng se sắt lại. Hoàn cảnh của cậu bé Chung rất đáng thương. Đầu năm 2020, mẹ Chung bất ngờ bỏ đi khỏi nơi cư trú. Cậu bé ngơ ngác và bố sống cùng nhà chú ruột.
Gia cảnh nhà chú ruột của Chung thuộc diện đặc biệt khó khăn (không có tài sản, các thành viên trong gia đình không có đủ sức khỏe để lao động). Dường như số phận vẫn chưa buông tha cho cậu bé, đầu năm 2021, bố Chung mất đột ngột mất do mắc bệnh hiểm nghèo. Nhìn gương mặt buồn ngơ ngác của cậu bé, Hội LHPN xã Đề Thám đã nhận Chung làm con nuôi từ tháng 9/2020.
Con nuôi thứ 2 của Hội LHPN xã Đề Thám là cô bé Hoàng Thu Hương (SN 2010), cũng ở thôn Cốc Slầy. Bố mẹ cô bé ly hôn, mẹ đưa Hương về ở với ông bà ngoại, rồi bỏ đi Trung Quốc từ 2012 đến nay không có tin tức. Mỗi lần đến thăm ông bà ngoại và cô bé Hương, cán bộ Hội lại nhói lòng khi gương mặt cô bé Hương cả tuổi thơ dường như không bao giờ biết cười.
Ông bà ngoại cô bé đều quá tuổi lao động, nhưng vẫn còng lưng làm thuê để động viên cô bé ăn học nên người. Nhà bé Hương cách điểm trường khoảng 8km, đầu tuần 2 bà cháu liêu xiêu đưa nhau đến gần trường dựng lán, để Hương tiện đi học, còn bà tiện chăm sóc cháu mồ côi. Cuối tuần 2 bà cháu lại dắt nhau về nhà. Hội LHPN xã lại giơ tay đón nhận cô bé làm con nuôi từ tháng 01/2021.
Người con nuôi mới nhất mà Hội LHPN xã Đề Thám nhận là cậu bé Hoàng Long Khải (SN 2011) ở thôn Bắc Ái, xã Đề Thám. Bố mẹ bé Khải kết hôn và ly hôn ở miền Nam. Gia đình ngoại còn chưa ai biết mặt bố của Khải, thì mẹ cậu bé trở về quê nhà với cái bầu to lùm và sinh con ở quê khi đã ly hôn.
Năm 2015, người mẹ trẻ này cũng không ở lại nuôi Khải mà bỏ đi khỏi nơi cư trú, rồi lập gia đình mới tại địa phương khác. Hiện bé Khải sống với ông bà ngoại, nhưng ông bà nay cũng hết tuổi lao động, già yếu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hội LHPN xã đã nhận cậu bé làm con nuôi từ tháng 09/2021.
Cả ba con nuôi của Hội đều được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng và một số quần áo, giày dép, đồ dùng học tập... Thời gian hỗ trợ là 3 năm/cháu. Hội phụ nữ xã và Ban vận động thường xuyên thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ tết, khai giảng năm học…, động viên, định hướng các cháu trong học tập và trong cuộc sống.
Tấm lòng của người cán bộ Hội
Chị Nông Ngọc Ánh cho biết, Đề Thám là xã nghèo của huyện Tràng Định, hiện vẫn còn 81 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,6%. Điều đặc biệt trẻ em là con em thuộc hộ nghèo đó có 64 cháu, nhất là ở thôn Cốc Slầy (sáp nhập từ xã Bắc Ái), có hơn 90% là người đồng bào dân tộc Dao, thôn cách trung tâm xã 24 km, cách xa tỉnh lộ đường đi khó khăn. 100% các hộ dân trong thôn này thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Với nguyện vọng giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được học tập, vui chơi như các bạn cùng trang lứa, Hội LHPN xã Đề Thám đã vận động nguồn hỗ trợ từ hội viên và các nhà hảo tâm để tạo điều kiện cho các em có cuộc sống tốt hơn từ mô hình "Con nuôi của Hội" được thực hiện từ đầu năm 2020. Dù là mô hình mới, nhưng đã nhận được sự động viên, ủng hộ của Hội LHPN cấp trên và sự nhất trí và ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, hội viên và nhân dân trên địa bàn.
Theo chị Nông Ngọc Ánh, để thực hiện mô hình "Con nuôi của Hội", Hội LHPN xã phối hợp với Hội chữ thập đỏ xã, ban hành công văn kêu gọi ủng hộ xây dựng quỹ "Con nuôi của Hội", đưa "Quỹ con nuôi của Hội" trở thành 1 loại quỹ thường niên với mức đóng góp 10.000 đồng/hội viên/năm; đồng thời tham mưu lãnh đạo UBND xã ban hành quyết định thành lập Ban vận động và quản lý quỹ "Con nuôi của Hội" gồm 5 đồng chí (3 đồng chí Ban Thường vụ hội LHPN xã, cán bộ văn hóa xã, bí thư Đoàn Thanh niên), xây dựng quy chế hoạt động quỹ "Con nuôi của Hội".
Sau khi thành lập được mô hình, Ban vận động quỹ đã tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhân dân, các nhà hảo tâm bằng nhiều hình thức như thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt, bằng văn bản và thông qua mạng xã hội... Đến nay, đã nhận được được nguồn hỗ trợ bằng tiền từ quỹ nhân đạo của xã, nhận được sự hỗ trợ của các tập thể, cá nhân trên địa bàn xã hỗ trợ về tiền mặt, quần áo, giày dép, đồ dùng học tập... đến nay tổng nguồn quỹ vận động đã được 18.400.000 đồng.
Chị Nông Ngọc Ánh cho biết: Hiện nay, Đề Thám còn rất nhiều cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi chưa đủ tiềm lực để giúp đỡ, do chưa có nguồn lực nhiều. Việc hỗ trợ 200.000 đồng/tháng vẫn đang là ở mức thấp, chỉ mang tính chất động viên. Thời gian giúp đỡ chúng tôi cũng chỉ dám thực hiện 3 năm/cháu, dù nguyện vọng là muốn giúp đến khi các cháu trưởng thành. Dù vậy, trong tháng tới chúng tôi dự kiến sẽ nhận thêm 1 cháu lớp 2 (mồ côi bố, mẹ đi lấy chồng) ở thôn Đoàn Kết. Hiện tại, cháu ở với bác ruột và 1 anh trai bị thiểu năng trí tuệ. Hàng ngày cháu vẫn được thầy giáo đến đón đi học vì nhà cách điểm trường hơn 2km.
"Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã Đề Thám sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao và nhân rộng mô hình này để có thể giúp thêm nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Để làm được việc này, Hội sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn ủng hộ từ các nhà hảo tâm, các tập thể cá nhân có lòng nhân ái, phần nào giảm bớt gánh nặng và chi phí học tập của gia đình nuôi các bé còn rất nhỏ đã sớm mồ côi cha, mẹ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống" – chị Nông Thị Ánh khẳng định.