Trẻ mồ côi do Covid-19 đối diện với nguy cơ bạo lực, xâm hại

D.H
20/10/2021 - 13:52
Trẻ mồ côi do Covid-19 đối diện với nguy cơ bạo lực, xâm hại

Ủy ban MTTQVN TPHCM thăm, tặng quà trẻ em mồ côi có cha, có mẹ mất vì Covid-19. Ảnh minh họa

Tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 được đánh giá là ảnh hưởng lên nhiều lĩnh vực của đời sống và an sinh xã hội. Đặc biệt, trẻ em mồ côi do Covid-19 đang đối mặt với nhiều nguy cơ khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn học tập, bị bạo lực, xâm hại… - theo đánh giá của Ủy ban Xã hội Quốc hội.

Trong báo cáo thẩm tra sáng nay (20/10) trước Quốc hội về tình hình phòng chống dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề cập sâu đến các vấn đề an sinh xã hội trước tác động của đại dịch.

Theo báo cáo thẩm tra, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm đã được Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch theo các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Qua đợt dịch lần thứ 4, nhiều trường hợp tử vong do dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19.

Ủy ban nhận thấy, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Theo đó, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế.

Một vấn đề nổi lên là theo báo cáo của địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 (riêng TPHCM có hơn 1.500 trẻ em mồ côi). "Việc này có thể gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn về học tập, nguy cơ cao về bị bạo lực, xâm hại... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, đảm bảo an sinh của trẻ em", bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá.

Trẻ mồ côi do Covid-19 đối diện với nguy cơ bạo lực, xâm hại - Ảnh 1.

Sáng 20/10, Quốc hội nghe Ủy ban Xã hội báo cáo thẩm tra về việc phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: quochoi.vn

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn một số khó khăn như: Người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể thực hiện các thủ tục xác nhận dẫn đến chưa giải quyết hỗ trợ kịp thời; Nhiều địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí cho phòng chống dịch và chi trả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Một số địa phương phản ánh điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ chưa phù hợp với thực tế.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, do dịch Covid-19, nhiều lao động phi chính thức bị rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm và thu nhập để bảo đảm cuộc sống; vẫn còn không ít lao động tự do, những người không đăng ký tạm trú bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phản ánh là chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

"Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng "mắc kẹt" tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhìn nhận.

Một lượng lớn người lao động mất việc làm do doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn và xu hướng gia tăng, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm bình quân cả về vốn và số lao động đăng ký, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.

"Lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tạo nguy cơ thiếu lao động nơi đi, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch", bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Để khắc phục hạn chế, Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết về kinh tế - xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội nói trên. Cụ thể:

Nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành gói hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, người lao động ở khu công nghiệp với các cơ chế phù hợp, hiệu quả.

Tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30, chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có tính chất quy phạm có liên quan về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Xã hội đề nghị đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để có giải pháp trong những năm tiếp theo; tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm công bằng, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân thiếu đói.

Đồng thời, quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong và sau đại dịch; nghiên cứu gắn việc quy hoạch khu công nghiệp với nguồn lao động bảo đảm khả năng đáp ứng hạ tầng kinh tế - xã hội, an sinh xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm