Vẫn còn tình trạng thu phí xét nghiệm Covid-19 cao khiến người dân bức xúc

D.H
20/10/2021 - 12:51
Vẫn còn tình trạng thu phí xét nghiệm Covid-19 cao khiến người dân bức xúc

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về phòng chống Covid-19, sáng 20/10 tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Thông tin trên được bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội đưa ra trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống dịch Covid-19, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng nay 20/10.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 20/10 Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Liên quan đến công tác y tế, theo bà Nguyễn Thúy Anh, thời gian qua, ngành y tế đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, trong đó đã xây dựng, ban hành các hướng dẫn chuyên môn để thực hiện có hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm, tổ chức công tác tiếp nhận và phân tầng điều trị, triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường năng lực cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp mắc bệnh nặng.

Cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế, phối hợp với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vaccine rất khan hiếm.

"Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lần này được đánh giá là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, theo đó, đến nay đã tiêm an toàn xấp xỉ 65 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ 63,6% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 25,5% đã tiêm đủ 2 liều vaccine" - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho hay.

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng trong đợt dịch thứ 4 trong quá trình thực hiện. Cụ thể:

Một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân. Việc tổ chức tiêm vaccine chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn vaccine còn hạn chế, tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc.

Việc xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm Covid-19, thu phí xét nghiệm cao, vẫn yêu cầu bắt buộc xét nghiệm khi đi khám chữa bệnh, gây bức xúc cho người dân.

Vẫn còn tình trạng thu phí xét nghiệm Covid-19 cao khiến người dân bức xúc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Có tình trạng lây nhiễm chéo tại một số cơ sở cách ly tập trung, nhiều trường hợp cách ly y tế tại nhà không đáp ứng được yêu cầu theo hướng dẫn, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát dẫn đến áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa phù hợp; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly.

Cùng với đó, nguồn máy móc, thuốc điều trị, vật tư giai đoạn đầu dịch khan hiếm làm giá tăng cao; các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm nên chỉ chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước.

"Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn lúng túng, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. Rác thải y tế phát sinh của một số cơ sở cách ly và trung tâm y tế chưa được phân loại nên còn tồn đọng nhiều; việc thu gom, xử lý rác thải y tế với mức giá quá cao... gây khó khăn cho cơ sở y tế" – bà Thúy Anh nêu thực tế.

Về bố trí nguồn lực, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chính phủ đã cố gắng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị sử dụng 14.620 tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại địa phương, đến tháng 8/2021, 57/63 địa phương đã sử dụng hết nguồn dự phòng ngân sách địa phương, 8/63 địa phương đã sử dụng tối đa 70% số dư Quỹ dự trữ tài chính.

"Ủy ban thấy rằng, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo là lớn nhưng nguồn huy động từ xã hội giảm dần, chính vì vậy, ngân sách nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn lực chính" - bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Trước thực trạng này, Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết về kinh tế - xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó tập trung đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các bệnh dịch mới nổi.

Cùng với đó, tiếp tục bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả cho nhân dân, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em ở các độ tuổi phù hợp; thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng chống dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm