pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ phụ nữ tiêu biểu: Sức khỏe và mưu sinh hai vấn đề quan tâm hàng đầu
PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc bệnh viện Hùng Vương kiến nghị thành phố giám sát việc thực hiện tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử đối với các cơ sở có sử dụng lao động nữ.
Hội nghị "Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ Phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2024" chủ đề: "Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới" do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 11/10/2024.
Phấn đấu năm 2030 xóa bỏ bệnh ung thư cổ tử cung
Liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho biết, các bệnh như ung thư vú và ung thư cổ tử cung có thể sàng lọc được và có thể trị khỏi nếu phát hiện sớm.
Vì vậy, bác sĩ Tuyết kiến nghị thành phố có chế độ, chính sách để giám sát việc thực hiện thông tư 09 của Bộ Y tế năm 2023 (đưa tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung vào chương trình khám sức khoẻ định kỳ đối với nữ lao động) đối với các cơ sở có sử dụng lao động nữ. Có như vậy, sẽ giúp cho nhiều phụ nữ không bị tử vong, giúp cho nhiều trẻ em không phải mồ côi mẹ.
Đối với lực lượng nữ lao động tư do, chiếm một tỷ lệ khá cao khó tiếp cận với các chương trình khám sức khoẻ nói chung và sàng lọc ung thư. Theo bác sĩ Diễm Tuyết, thành phố cũng cần có chính sách hỗ trợ đối tượng này.
Liên quan đến ung thư vú và ung thư cổ tử cung, bác sĩ Tuyết cũng đề xuất đưa chương trình tiêm chủng vào trường học, đặc biệt là trường PTCS và THPT, để các học sinh có thể được tiêm ngừa, tiến đến năm 2030 có thể xoá bỏ được căn bệnh ung thư cổ tử cung như các nước đã phát triển hiện nay.
Cũng liên quan đến vấn đề sức khoẻ, Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho rằng, một số đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động nữ nhưng chưa đảm bảo thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ quyền nuôi con của người mẹ. Cụ thể, 1 số doanh nghiệp chưa áp dụng phòng vắt sữa cho người mẹ trong thời kỳ nuôi con, hoặc có cũng chỉ để đối phó với lực lượng thanh kiểm tra.
Bác sĩ Hồng Nga kiến nghị thành phố cần có chương trình giám sát nội dung này, để bảo đảm quyền nuôi con của bà mẹ và bảo đảm sức khoẻ cho trẻ nhỏ, được uống sữa mẹ trong thời kỳ sơ sinh.
Tiểu thương chợ truyền thống gặp khó
Trong lĩnh vực kinh doanh, bà Phan Thị Tuyết Mai - PCT Hội Nữ Doanh nhân Thành phố chia sẻ, hiện nay kinh doanh online đang là xu hướng của thị trường, nhiều hội viên, phụ nữ đã thành công khi khởi nghiệp thông qua kinh doanh online.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp lừa đảo người tiêu dùng, bán hàng sai với hình ảnh quảng cáo, những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến gây hiểu lầm cho người dân về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm được bán online,.. đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Hiện nay, dù đã có những quy định về kinh doanh thương mại điện tử, tuy nhiên quy định chưa thực sự đầy đủ, nếu xảy ra sự cố sẽ khó khăn trong việc giải quyết quyền lợi của bên bán và cả bên mua.
Từ những thực trang trên, PCT Hội Nữ Doanh nhân thành phố đề xuất cần tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý đối với kinh doanh trực tuyến, có quy định cụ thể các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.
"Từng địa phương có giải pháp trong quản lý, tuyên truyền, vận động người kinh doanh trên địa bàn kinh doanh các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng xử lí nhanh những khiếu nại và phải xử lý nghiêm khắc những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm để răn đe những trường hợp khác góp phần thực hiện tốt Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, phụ nữ - người tiêu dùng chính nói riêng", bà Phan Thị Tuyết Mai kiến nghị.
Chị Khưu Huệ Chi – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Chợ Bến Thành đồng thời cũng là một thương nhân, có 40 năm hoạt động kinh doanh tại chợ Bến Thành cho biết, hơn 200 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, trong đó hơn 80% người kinh doanh trực tiếp là phụ nữ. Theo chị Chi, các đơn vị kinh doanh tại chợ truyền thống nói chung, chợ Bến Thành nói riêng hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh phải "bỏ chợ" do không chịu được áp lực.
Việc mua bán tại chợ truyền thống bị ảnh hưởng nghiệm trọng bởi hình thức mua bán online đang phát triển như hiện nay. Chị Chi đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét, nghiên cứu để có chính sách miễn – giảm thuế đối với người kinh doanh tại các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, cần giải toả dứt điểm hoặc không để phát sinh thêm các điểm chợ tự phát.
Nữ trí thức vẫn phải đối mặt nhiều áp lực từ đời sống
Bên cạnh các ý kiến chia sẻ, đề xuất giải pháp liên quan đến vấn đề y tế - sức khoẻ, kinh doanh…, tại Hội nghị còn nhiều ý kiến với nhiều lĩnh vực khác được các đại biểu đề cập. Như vấn đề bất bình đẳng giới trong cách tính tuổi nghỉ hưu đối với nam – nữ.
Theo PGS – TS Trương Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM, thời gian qua đội ngũ nữ trí thức đã được ghi nhận do có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, vẫn còn có những khoảng cách giới về cơ hội, điều kiện, năng lực tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ và thụ hưởng kết quả của khoa học công nghệ, nhất là việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ ươm tạo công nghệ đối với phụ nữ.
Thêm vào đó, Nữ trí thức vì cùng lúc phải thực hiện nhiều vai trò người vợ, phụ nữ của gia đình nên phải chịu nhiều áp lực về quỹ thời gian đầu tư công tác nghiên cứu. Vì vậy, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM đề xuất chính sách, cơ chế cần thiết để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt hơn cho đội ngũ nữ trí thức.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đại diện Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho rằng, những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp tại Hội nghị là tâm tư tình cảm, hướng đến mục đích chung là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Lãnh đạo thành phố trân trọng ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu, liên quan đến nhiều vấn đề từ chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ ở các cấp, các vấn đề toàn cầu đến những việc cụ thể như kinh doanh, mua bán, khởi nghiệp – lập nghiệp, giữ trẻ là con em của nữ công nhân… Lãnh đạo thành phố ghi nhận và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu.
Tại Hội nghị này, lãnh đạo thành phố giao cho Đảng Đoàn Hội LHPN TPHCM phối hợp chặt chẽ với tiểu Ban công tác cán bộ nữ của thành phố, Ban Vì sự tiến bộ thành phố, biên tập, tổng hợp tất cả ý kiến phát biểu tại Hội nghị, phối hợp với Ban Dân vận Thành uỷ, Văn phòng Thành uỷ, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ tiếp tục chỉ đạo, xem xét và giải quyết.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM:
Hội nghị "Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ Phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2024", chủ đề "Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới", được tổ chức với mong muốn lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đề xuất của phụ nữ cùng tham gia đóng góp về phát triển kinh tế- văn hóa - xã hội thành phố, công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Để chuẩn bị cho hội nghị, các cấp Hội đã tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các ngành, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới các quận huyện, sở ngành, hội viên, phụ nữ, tập trung vào 2 nhóm vấn đề:
Một là, các vấn đề liên quan đến đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội thành phố; tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; đề xuất các cơ chế, chính sách để khuyến khích, các ý tưởng, giải pháp để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay hợp pháp, hợp lý, an toàn…
Hai là, các vấn đề liên quan đến công tác bình đẳng giới và đảm bảo an sinh xã hội: các giải pháp để đạt được mục tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ; những giải pháp, chăm sóc ức khỏe sinh sản.