pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lào Cai và hành trình phát triển bứt phá sau hơn 30 năm tái lập tỉnh

Thành phố Lào Cai là trung tâm tỉnh lỵ đóng vai trò quan trọng kết nối phát triển giao thương kinh tế, văn hóa
Trung tâm hành chính và giao thương từ xa xưa
Từ trong lịch sử, Lào Cai luôn được xác định là một vùng đất quan trọng, cửa ngõ phát triển giao thương với vùng Tây Nam (Trung Quốc). Vào năm 1427, vua Lê Thái Tổ đã cử các tướng giỏi lên trấn ải Lê Hoa (cửa khẩu Lào Cai ngày nay). Sau này cửa khẩu Lào Cai - ải Lê Hoa hay cửa quan Bảo Thắng còn là cửa khẩu rất quan trọng nối liền nước ta với vùng Tây Nam (Trung Quốc).
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Nhà nghiên cứu dân tộc học: Trong thời nhà Nguyễn, thuế quan ở Lào Cai có nguồn thu vào loại cao nhất trong những triều đại vua đầu thời Nguyễn. Trong bộ "Bách Khoa Thư Hưng Hóa Ký Lược" của Phạm Thận Duật viết năm 1856 đã ghi rõ: "Châu Thủy Vĩ có cửa Bảo Thắng, hằng năm thu ba vạn quan", còn trong bộ "Hội Điển Sử Lệ" của triều Nguyễn có nhấn mạnh thuế quan thu được ở cửa quan Bảo Thắng (địa bàn phường Lào Cai hiện nay) thường đứng từ thứ 3 đến thứ nhất toàn quốc. Đặc biệt, số tiền thuế thu được từ các ngành nghề buôn bán của người dân ở các châu Thủy Vĩ đều lớn từ gấp đôi đến gấp 5 lần so với 20 châu huyện ở tỉnh Hưng Hóa khi đó.

Hình vẽ thành cổ Lao Kai năm 1885 - 1890. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lào Cai
Suốt chiều dài lịch sử, thông qua tuyến đường thủy sông Hồng, hành trình kết nối giao thương giữa Việt Nam và vùng Tây Nam, Trung Quốc, trở nên nhộn nhịp, thu hút nhiều cư dân và thương lái ở các nơi khác hội tụ về, từ đó đã hình thành trung tâm thương mại rất nổi tiếng tạo tiền đề phát triển thành đô thị vùng biên.
Nhận thấy những lợi thế này, nhà cầm quyền thời pháp thuộc đã chọn Lào Cai là trung tâm hành chính quan trọng, theo đó, ngày 7 tháng 1 năm 1899, đạo quan binh IV được thành lập bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai, chọn Lào Cai là đạo lỵ, thủ phủ của đạo quan binh IV; năm 1907 thành lập tỉnh Lào Cai, trung tâm tỉnh đặt tại thị xã Lào Cai. Sau khi đất nước thống nhất cho đến ngày nay, Lào Cai tiếp tục giữ vai trò trung tâm hành chính của tỉnh.

Xây dựng lại cầu Hồ Kiều, nối Lào Cai (Việt Nam) với Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc). Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lào Cai
Cho đến khi thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn lần thứ nhất là ngày 27/12/1975, thị xã Lào Cai trở thành trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sự lựa chọn này không chỉ dựa trên các yếu tố về lịch sử, văn hóa, truyền thống mà nơi đây còn đóng vai trò quan trọng về địa kinh tế, địa chính trị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh.
Hành trình bứt phá sau hơn 30 năm tách tỉnh
Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, khi đó Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, với những khó khăn chồng chất trước mắt, sản lượng lương thực bình quân đầu người 184kg/năm, GRDP bình quân đầu người 680.000 đồng, thu ngân sách đạt 36 tỷ đồng; 54 xã chưa có đường ô tô tới trung tâm xã, 9/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia, hệ thống trường học chủ yếu là nhà tạm, 60% trẻ em trong độ tuổi không được đến trường; 30% cán bộ xã không biết chữ; 35 xã chưa có trạm y tế xã, 15 xã trắng về y tế; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 55%, trong đó trên 30% dân số thiếu đói thường xuyên.

Thành phố tỉnh lỵ Lào Cai hôm nay được xây dựng khang trang, hiện đại.
Tuy nhiên, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Lào Cai đã tận dụng những tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng với đó là truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt khó của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau hơn 30 năm tái lập, Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh đứng tốp đầu trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (về tổng thể, kinh tế Lào Cai đứng thứ 3 trong 3 cực tăng trưởng khu vực Trung du miền núi Bắc bộ là Lào Cai, Bắc Giang và Thái Nguyên).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991- 2024 đạt gần 10%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2024 đạt gần 13.000 tỷ đồng (gấp 361 lần so với năm 1991), GRDP bình quân đầu người đạt trên 97 triệu đồng (gấp 142 lần so với năm 1991).
Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện và có bước đi vững chắc. Giáo dục, y tế đều có bước phát triển vượt bậc, số hộ nghèo giảm từ 54,8% (1991) xuống còn 10,94% (2024 theo tiêu chí mới), khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 8 triệu lượt người (2024), đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Vai trò cửa ngõ trung tâm kết nối thông thương với vùng kinh tế Tây Nam, Trung Quốc
Ngày nay, Lào Cai không chỉ là cửa ngõ kết nối giao thương của một tỉnh, hay một tiểu vùng, mà giữ vai trò trung tâm kết nối thông thương quan trọng giữa và vùng kinh tế Tây Nam, Trung Quốc, với cả nước và rộng hơn là cả khu vực Đông Nam Á, do vậy, cơ sở hạ tầng giao thông nội địa và quốc tế được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hiện đại mang tính mạng lưới đồng bộ.
Với hàng loạt các tuyến Quốc lộ phân bố ngang, dọc rộng khắp (QL 70, 4D, 4E, 279); cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước liên kết các tỉnh trong vùng với vùng Thủ đô; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nối với Côn Minh, Trung Quốc, đã vận hành hơn 110 năm, tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư (dự kiến khởi công năm 2025 - hoàn thành trước năm 2030); tuyến đường thủy trên sông Hồng có giá trị lịch sử của cả vùng Bắc Bộ.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá qua Lào Cai giai đoạn 2004-2025 đạt trên 35 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Trong ảnh: Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) sang vùng Tây Nam, Trung Quốc
Đặc biệt, Cảng Hàng không Sa Pa quy mô cấp 4C, tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng (đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư chuẩn bị khởi công năm 2025, có chuyến bay đầu tiên vào năm 2028) sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương duy nhất trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có đủ 4 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc; mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới, dư địa mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển toàn diện.
Thành phố Lào Cai được quy hoạch bài bản, với hạ tầng đô thị khang trang, không gian xanh, hiện đại. Khu hành chính với kiến trúc quy hoạch đồng bộ, hiện đại nhiều công trình lớn có tính chất biểu tượng của Lào Cai và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Trung tâm Hội nghị với sức chứa gần 1.000 người, các trụ sở hành chính hiện có sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nơi làm việc của các cơ quan của tỉnh lỵ. Hệ thống khách sạn từ 3-5 sao, với quy mô hàng nghìn phòng, đáp ứng yêu cầu của khách đến công tác và nghỉ dưỡng. Về nhà ở, thành phố Lào Cai có nhiều khu đô thị từ trung bình đến hiện đại, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội đã và đang xây dựng với qui mô gần 10 ngàn căn hộ sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu nhà ở cho cán bộ và người lao động.
Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - xã hội lớn mang tầm khu vực cũng đã được đầu tư và đi vào hoạt động, điển hình như: Trong lĩnh vực giáo dục có Trường Quốc tế Canada (Trường quốc tế đầu tiên của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ), Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đã và đang thu hút sinh viên đến từ các tỉnh trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai dự án Cảng Hàng không Sa Pa tại huyện Bảo Yên.
Trong lĩnh vực Y tế có Tòa nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới được khánh thành ngày 24/2/2025 nâng tổng quy mô Bệnh viện lên gần 1.000 giường bệnh, nhiều trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng.
Trong lĩnh vực văn hóa có Trung tâm thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã từng đăng cai nhiều giải thể thao cấp quốc tế, điển hình như Giải bóng chuyền quốc tế VTV cup năm 2023; Rạp chiếu phim, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa, Thư viện tỉnh,... hiện đại đáp ứng tốt đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Với vị trí và điều kiện trên, Lào Cai đáp tiêu chí quan trọng nhất hiện nay là khả năng liên kết vùng, quan trọng hơn là kết nối xuyên biên giới. Đây là yếu tố quyết định để đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và vùng Tây Nam (Trung Quốc) theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên thế giới hầu hết các đô thị có điều kiện kết nối xuyên biên giới, nằm ở vị trí đầu cầu quốc gia thì đều có khả năng vượt trội về phát triển.
Trung tâm phát triển du lịch nổi tiếng cả nước
Từ một tỉnh trong tốp 6 tỉnh nghèo nhất cả nước khi mới tái lập năm 1991, sau hơn 30 năm vận dụng biến những khó khăn thành lợi thế đặc thù để phát triển, đến nay, Lào Cai đã có một ngành du lịch phát triển mạnh, vang danh khắp cả nước và quốc tế, điển hình là Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đạt tiêu chuẩn "Thành phố Du lịch sạch ASEAN" với tuyến cáp treo lên đỉnh Phanxipang hùng vĩ đạt 2 kỷ lục Thế giới cùng với khu du lịch Y Tý đang được đơn vị hàng đầu thế giới tư vấn lập quy hoạch đã từng bước trở thành hạt nhân trong phát triển du lịch của vùng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh mẽ và từng bước được đầu tư đồng bộ. Lào Cai đã làm việc với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để thống nhất kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông phục vụ du lịch nội tỉnh và liên tỉnh.

Tuyến cáp treo lên đỉnh Phanxipang hùng vĩ
Năm 2004, lượng du khách mới chỉ đạt 400.000 lượt nhưng sau 20 năm đã đạt trên 8 triệu lượt khách và hướng đến năm 2025 sẽ vượt con số 10 triệu lượt khách. Lượng khách du lịch đến Lào Cai giai đoạn 2010-2024 dẫn đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ và trong nằm trong tốp đầu của cả nước; kinh tế du lịch đã đóng góp 15% tổng GRDP của cả tỉnh.
Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 15 triệu du khách (trong tổng số dự kiến 30 triệu du khách đến vùng) và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% - 30% GRDP, Lào Cai sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào kinh tế du lịch của vùng.
Trung tâm khai khoáng và luyện kim, hóa chất lớn trong vùng
Với những lợi thế giàu tài nguyên khoáng sản, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có giá trị cao, trữ lượng lớn cùng với chiến lược khai thác hợp ký kết hợp chế biến sâu nên giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 của tỉnh Lào Cai đã đạt trên 45.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm.
Theo đó, quặng apatit có trữ lượng thăm dò trên 2,5 tỷ tấn, đủ khả năng cung cấp dài hạn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất phân bón chứa lân, góp phần vào chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước được ổn định.
Quặng đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, hàng đầu Đông Nam Á. Tổ hợp các nhà máy tuyển, luyện đồng công suất 30.000 tấn/năm đã đáp ứng 25% nhu cầu trong nước, giúp ngành sản xuất công nghiệp trong nước giảm gần 300 triệu USD ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu.
Ngoài ra, Nhà máy sản xuất cáp điện cao thế với công nghệ cán kéo đồng hiện đại nhất Đông Nam Á công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu khởi công trong tháng 3/2022.
Quặng sắt trữ lượng trên 120 triệu tấn với mỏ sắt Quý Sa lớn thứ 2 Việt Nam là nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai công suất 500.000 tấn/năm cung cấp phôi thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Lào Cai là một trong ít tỉnh có trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước.
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tích cực từ Trung ương, sự ủng hộ của các ban, bộ, ngành, các địa phương bạn và sự nỗ lực không ngừng của lớp lớp cán bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lào Cai đang có những bước đi vững chắc để trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối, trung tâm chính trị, kinh tế và đối ngoại của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ và của cả nước.