pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phấn đấu hoàn thành Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chậm nhất vào năm 2030

Các đại biểu Quốc hội ấn nút điện tử thông qua Nghị quyết
Với 455/459 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, bảo đảm việc kết nối của Dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác, giảm thiểu tác động tiêu cực do thu hồi đất phục vụ cho Dự án. Đồng thời, cân nhắc việc kết nối các ga khi tuyến đường sắt chạy song song với cao tốc, bảo đảm liên kết giao thông địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hướng tuyến của Dự án được Chính phủ nghiên cứu theo nguyên tắc ngắn nhất, thẳng nhất có thể và đã được sự thống nhất của các địa phương có Dự án đi qua. Một số đoạn tuyến đi cùng hành lang với các tuyến đường bộ cao tốc (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng), được nghiên cứu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đủ mặt bằng để bố trí ga, đồng thời hạn chế tối đa diện tích đất xen kẹp giữa đường sắt và đường bộ. Phương án tuyến thiết kế sơ bộ mặt bằng các ga đã bố trí các tuyến đường bộ kết nối với mạng lưới đường bộ của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, cập nhật các phương án kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông liên quan để bảo đảm hiệu quả cho Dự án.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: theo báo cáo Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư được tính toán theo quy định của pháp luật về xây dựng. Suất đầu tư công bố hiện nay của các nước được tính cho phần xây dựng và thiết bị, không tính chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí có tính chất đặc thù khác (chi phí cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, chi phí cải tạo khổ 1.000 mm khu vực ga Lào cai, chi phí đường 1.000 mm đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội).

Toàn cảnh phiên họp
So sánh với suất đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn - Boten dài 418 km có chi phí đầu tư 5,96 tỷ USD, suất đầu tư quy đổi 16,77 triệu USD/km. Theo đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với suất đầu tư khoảng 15,96 triệu USD/km, tương đồng với suất đầu tư một số dự án tham khảo trong khu vực.
Về tiến độ thực hiện Dự án, Nghị quyết đã quy định phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030. Đối với việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường sắt theo quy mô đường đôi sẽ được nghiên cứu, đầu tư khi có nhu cầu vận tải tăng cao.
Cũng tại phiên làm việc buổi sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thống qua nhiều nội dung quan trọng; cụ thể như Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.