Lao động di cư hồi hương chật vật tái hòa nhập cộng đồng

Minh Châu
18/04/2025 - 14:03
Lao động di cư hồi hương chật vật tái hòa nhập cộng đồng

Người lao động Indonesia

Trở lại quê hương Indonesia vào năm 2024 sau 15 năm làm việc ở nước ngoài, Ayu Rosita, 41 tuổi, nhận thấy mọi thứ đã thay đổi. Giữa sự phát triển mạnh mẽ của làng quê, Ayu lại cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
Cảm giác lạc lõng trên quê hương mình

Những ngôi nhà mới, tiệm sửa chữa ô tô và cửa hàng tiện lợi mọc lên quanh ngôi làng của Ayu, nằm ở vùng núi Tây Java, cách Jakarta khoảng 2 giờ lái xe. Những con đường vốn yên tĩnh giờ đây tấp nập xe cộ. Trên những ngọn đồi và sườn núi, khách sạn và nhà hàng đang được xây dựng, thu hút du khách đến đây nghỉ cuối tuần. 

Hầu hết bạn bè của Ayu đã chuyển đến các thành phố khác, trong khi một số người thân của cô đã qua đời. Những người còn lại trong làng chủ yếu là người trẻ mà cô gần như không quen, vì khi cô rời đi thì chúng còn nhỏ xíu. 

"Tôi cảm thấy mình như một người lạ trên chính quê hương của mình. Tôi cảm thấy bồn chồn vì tôi đã quen với cường độ công việc cao, còn hiện tại, tôi ở nhà cả ngày vì chưa có việc làm", Ayu, người từng làm giúp việc gia đình ở Saudi Arabia trước khi quyết định trở về quê để chăm sóc mẹ già, chia sẻ.

Để giữ cho tâm trí bận rộn, Ayu thử tìm việc làm nhưng chủ các nhà hàng và cửa hàng gần đó lại chỉ muốn tuyển người trẻ. Với kinh nghiệm của mình, Ayu có thể làm giúp việc gia đình nhưng điều đó đồng nghĩa với việc cô phải xa gia đình, lên thành phố như Jakarta, nơi nhu cầu về dịch vụ này lớn hơn.

Lao động di cư hồi hương chật vật tái hòa nhập cộng đồng- Ảnh 1.

Ayu Rosita làm lao động giúp việc tại Saudi Arabia được 15 năm trước khi hồi hương vào năm 2024

Những khó khăn của Ayu không phải là điều hiếm gặp đối với những lao động di cư hồi hương. Nhiều người trở về, đặc biệt là những người đã ở nước ngoài lâu năm, gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Họ không chỉ đối mặt với vấn đề tâm lý mà còn là cơ hội việc làm hạn chế.

Chính phủ của nhiều quốc gia như Indonesia và Philippines đã cam kết giải quyết vấn đề này bằng việc cung cấp hỗ trợ tài chính, vốn vay ưu đãi, các chương trình khởi nghiệp và khóa học nâng cao kỹ năng cho lao động di cư hồi hương. 

Bộ trưởng Bộ lao động di cư Indonesia, Abdul Kadir Karding, cho biết, Chính phủ nước này sẽ cung cấp thêm các khóa học nâng cao kỹ năng và vay vốn ưu đãi để khuyến khích lao động di cư hồi hương khởi sự kinh doanh. "Chúng tôi cũng đang hợp tác với một số tổ chức giáo dục và cộng đồng để cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng, giúp lao động di cư hồi hương độc lập về mặt kinh tế".

Trong khi đó, Cơ quan Phúc lợi lao động ngoài nước Philippines (OWWA) cũng có một chương trình tương tự. Kể từ năm 2017, họ đã cung cấp các khoản trợ cấp lên đến 20.000 peso cho lao động di cư hồi hương cũng như các khóa đào tạo khởi nghiệp cho họ. 

Tuy nhiên, số người hưởng lợi từ các chương trình này còn hạn chế. Vào năm 2023, có 3.348 người nhận được trợ cấp từ OWWA, trong khi 12.248 người tham gia các khóa đào tạo và hội thảo nâng cao năng lực.

Giải pháp bền vững

Mặc dù các sáng kiến kể trên đều xuất phát từ ý định tốt nhưng không phải ai cũng phù hợp để trở thành doanh nhân. Ví dụ, Ayu từng thử nuôi cá tra, xây 2 ao cá trong vườn nhà và mua máy bơm, bộ lọc cùng các thiết bị khác nhưng sau vài tháng, cô nhận thấy công việc này không phù hợp với mình. 

Ayu cho biết cô đã mất khoảng 15 triệu rupiah trong việc nuôi cá, khoảng 1/3 số tiền cô tiết kiệm được từ đi xuất khẩu lao động. Sau đó, cô thử mở một cửa hàng nhỏ bán nước giải khát và đồ ăn vặt. "Lợi nhuận rất ít, hầu như không đủ để trả tiền điện", Ayu chia sẻ. 

Mặc dù cửa hàng vẫn hoạt động nhưng cạnh tranh gay gắt từ các cửa hàng tương tự trong làng khiến cô không chắc chắn về tương lai của mình.

Để giải quyết vấn đề một cách bền vững, Angelo Jimenez, Chủ tịch Đại học Philippines và là người vận động lâu năm vì quyền lợi của người lao động, cho rằng, các quốc gia có lượng lao động di cư lớn cần giải bài toán việc làm từ trong nước. 

"Điều quan trọng nhất đối với một quốc gia là cung cấp việc làm để di cư chỉ còn là sự lựa chọn, chứ không phải là nhu cầu bắt buộc", Jimenez nói.

Theo Ngân hàng Thế giới, năm ngoái, người Philippines làm việc ở nước ngoài đã gửi về 40 tỷ USD, chiếm 9,2% GDP của nước này. Trong khi đó, người Indonesia gửi về 11 tỷ USD, chiếm 0,8% GDP.

Nguồn: CNA
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm