Lấp "khoảng trống" pháp lý để hỗ trợ trẻ theo mẹ di cư hồi hương chưa có khai sinh, quốc tịch

Hải Yến
15/10/2022 - 17:04
Lấp "khoảng trống" pháp lý để hỗ trợ trẻ theo mẹ di cư hồi hương chưa có khai sinh, quốc tịch

Bà Đặng Hoàng Oanh (phải), Thứ trưởng Bộ Tư pháp, tham gia trả lời tại Hội nghị. Ảnh: Hải Hoà

Thủ tướng cho rằng, các địa phương, các ngành cần "giải bài toán thực tế" để những trẻ em theo mẹ hồi hương vẫn được mưu cầu hạnh phúc như bao trẻ khác.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội" diễn ra sáng 15/10, chị Trần Thị Tuyết Thương (ở Tân Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang) đặt câu hỏi: Chính phủ có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư trở về địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý của phụ nữ, trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài; tạo điều kiện để họ tiếp cận đầy đủ, dễ dàng chính sách hỗ trợ và tái hòa nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Lấp "khoảng trống" pháp lý để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Tuyết Thương (ở Tân Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang) đặt câu hỏi từ điểm cầu Hậu Giang

Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết, việc phụ nữ di cư trở về Việt Nam và mang theo con là vấn đề được quan tâm nhiều trong thời gian qua. Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo, đề nghị các bộ ngành đề xuất giải pháp để hỗ trợ phụ nữ di cư.

Qua khảo sát, đa phần trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài, đang cư trú tại Việt Nam thì đều đã được đăng ký khai sinh, có quốc tịch rõ ràng.

Tuy nhiên, còn một nhóm nhỏ công dân Việt Nam ở nước ngoài di cư về nước và mang theo con, hiện vẫn chưa đăng ký khai sinh và có quốc tịch cho con do cả mẹ và con đều không có giấy tờ tuỳ thân. Những trường hợp này tập trung nhiều ở khu vực biên giới. Đa phần là những phụ nữ vượt biên và lấy chồng ngoại quốc nhưng không kết hôn và khi mang con trở về địa phương thì đều không có giấy tờ tuỳ thân.

Hiện Bộ Tư pháp đã hướng dẫn các địa phương có giải pháp cụ thể để đăng ký khai sinh cho trẻ em, đảm bảo quyền học tập, cư trú, khám chữa bệnh cho trẻ em. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được đến trường.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các địa phương cần có biện pháp và quán triệt việc vượt biên kết hôn, tuyên truyền để nhân dân hiểu những tác hại của việc này.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, địa phương giải quyết các trường hợp này trên cơ sở bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật, đồng thời khẩn trương xử lý các "khoảng trống" pháp lý, các khó khăn, vướng mắc trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Trong thực tế, các quy định không bao giờ phủ kín được hết các góc cạnh của cuộc sống. "Đây là bài toán thực tiễn mà các địa phương, các cấp, các ngành phải chú ý để các cháu phải được đi học, được khám chữa bệnh, được bình đẳng, được mưu cầu hạnh phúc như các cháu khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm