pnvnonline@phunuvietnam.vn
Long An: Thu nhập, đời sống người dân được nâng cao nhờ xây dựng nông thôn mới
Thu nhập người dân vùng nông thôn tăng gấp 3 lần
Năm 2010, tỉnh Long An bắt đầu triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn chỉ đạt 15,6 triệu đồng/người. Thế nhưng, qua gần 10 năm thực hiện chương trình, bằng nhiều giải pháp, đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong tỉnh đạt 45 triệu đồng (tăng gần 3 lần). Những lợi ích từ chương trình XDNTM mang lại góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Theo thống kê của UBND tỉnh Long An, giai đoạn 2011-2019, nguồn vốn huy động trong cộng đồng dân cư cho XDNTM hơn 6.673 tỉ đồng, đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội mang dấu ấn từ chính người dân.
Về xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, điều dễ nhận thấy là diện mạo xã có nhiều đổi mới, các trục đường chính, liên xã đều được nhựa hóa, trồng thêm cây xanh, hoa làm cho cảnh quan môi trường thêm đẹp. Vùng đất biên giới này ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang, minh chứng cho cuộc sống khá giả của người dân.
"Từ những giải pháp đó, dù là xã biên giới nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 45 triệu đồng và đến cuối năm 2020 ước đạt trên 50 triệu đồng. Khi người dân có cuộc sống ổn định thì việc huy động kinh phí để XDNTM cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Đây cũng là cơ sở để địa phương phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025", Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng - Bùi Văn Hiệu thông tin.
Tập trung các giải pháp tăng thu nhập cho người dân
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh Long An-Phạm Văn Cảnh, thời gian tới, tỉnh xác định mục tiêu chủ yếu trong XDNTM là giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị, kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối với quá trình đô thị hóa.
Để đạt mục tiêu đó, Ban Chỉ đạo xây dựng các giải pháp thiết thực. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với đặc thù phần lớn kinh tế nông thôn vẫn tập trung vào nông nghiệp nên muốn tăng thu nhập cho người dân, không có cách nào khác phải tăng giá trị trên cùng một diện tích đất canh tác hay nói cách khác, sản xuất nông nghiệp theo xu hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tại huyện Cần Giuộc, trước đây, thu nhập chính của người dân nhiều xã chủ yếu từ trồng rau nhưng sản xuất theo phương pháp truyền thống, sản phẩm đầu ra phụ thuộc vào thương lái dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. 5 năm trở lại đây, từ việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính, tưới nước, bón phân tự động và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng như hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ rau đã mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. Nhiều hộ đã và đang làm giàu từ chính cây rau truyền thống trên nền sản xuất hiện đại.
Điển hình, tại xã Phước Hậu, hiệu quả trong trồng rau đã mang lại thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 62 triệu đồng/năm và trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, để tăng thu nhập bền vững cho nông dân, ngoài những chính sách hiện hữu thì các cấp cần tập trung quan tâm đầu tư hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như có thêm những chính sách hỗ trợ, khuyến khích khác trong phát triển sản xuất cho vùng nông thôn.
Thông tin từ UBND tỉnh, để đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, Ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng. Đến năm 2025, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020 và đến năm 2030, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng thêm ít nhất 1,5 lần so với năm 2025, tương đương với khoảng 110 triệu đồng/người/năm.