Loại khẩu trang nào vừa an toàn, tiết kiệm lại bảo vệ môi trường?

Linh Trần
04/02/2020 - 21:48
Loại khẩu trang nào vừa an toàn, tiết kiệm lại bảo vệ môi trường?
Khẩu trang y tế 1-2 lớp chỉ dùng được 1 lần, nhưng khẩu trang hoạt tính có thể tái sử dụng nhiều lần. Chọn khẩu trang như vậy góp phần hạn chế rác thải y tế và bảo vệ môi trường.

Trong những ngày qua, dịch viêm phổi cấp do virus corona đang có dấu hiệu gia tăng. Cũng vì thế, người dân đã đổ xô đi mua các loại khẩu trang y tế theo khuyến cáo của Bộ Y tế để đề phòng bệnh.

Theo tìm hiểu của PNVN, trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang. Nếu xét về tiêu chí tái sử dụng thì có 2 loại là khẩu trang y tế tái dùng nhiều lần và loại dùng 1 lần. Loại dùng 1 lần có giá rẻ, được bán phổ biến, tiện dụng nên được sử dụng rộng rãi hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội), khẩu trang y tế loại dùng 1 lần thường có 1 đến 3 lớp, được nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng 1 lần. Nếu tái dùng loại khẩu trang này, công dụng sẽ giảm rất nhiều.


Người dân có thể sử dụng khẩu trang nhiều lần để bảo vệ môi trường

Người dân có thể sử dụng khẩu trang nhiều lần để bảo vệ môi trường

Điều mà nhiều người lựa chọn khẩu trang y tế bởi sự tiện dụng do chỉ cần sử dụng 1 lần rồi vứt bỏ mà không tốn công giặt giũ, bảo quản. Tuy nhiên, trong y khoa, khẩu trang y tế được xem là rác thải y tế. Chính vì thế, việc người dân ồ ạt lựa chọn khẩu trang này khiến những ngày sau đó, sẽ có một lượng rác thải y tế rất lớn đổ ra bãi rác, gây ô nhiễm môi trường.

Dược sĩ Hà Văn Hòa (Sở Y tế Thanh Hóa) cho biết, ngoài khẩu trang y tế, trên thị trường còn có loại khẩu trang có chứa than hoạt tính. Tuỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất mà có loại dùng tối đa 1 tuần, có loại có thể dùng được 1 tháng.  Khẩu trang này là có thể vừa chống nắng, vừa chống khói bụi, vi khuẩn có hại cho sức khoẻ. Khi sử dụng khẩu trang than hoạt tính nếu tái dùng thì nên hạn chế tiếp xúc với bề mặt của khuẩn trang và bảo quản cẩn thận cho lần dùng tiếp theo.

Tuy nhiên, tại Việt Nam các dòng khẩu trang than hoạt tính thực sự chưa phổ biến dù đây là sản phẩm được các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo sử dụng vì những tính năng vượt trội mà chúng đem lại. Cụ thể các sản phẩm này có khả năng ngăn chặn bụi siêu mịn, là loại bụi có kích thước nhỏ, tính bằng micromet dễ dàng xâm lấn vào bên trong tế bào.

So với khẩu trang y tế dùng 1 lần, khẩu trang hoạt tính dùng nhiều lần có ưu thế về giá cả, cũng như thời gian sử dụng. Chính việc có thể tái sử dụng sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn.

Hướng dẫn rửa tay đúng cách của Bộ Y tế

Hướng dẫn rửa tay đúng cách của Bộ Y tế

Kết hợp đeo khẩu trang và rửa tay sạch

Dù vậy, con đường lây nhiễm chủ đạo của coronavirus là qua tiếp xúc (tay dính mầm bệnh rồi đưa vào miệng/mũi/mắt) và qua giọt bắn (ho/hắt xì bắn mầm bệnh ra xung quanh). Vì thế, việc đeo khẩu trang loại nào thì cũng chỉ hạn chế được một phần. Giải pháp tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người mang mầm bệnh.

Hơn nữa, nếu chỉ đeo mỗi khẩu trang thì không đủ khả năng phòng bệnh. Để phòng bệnh có hiệu quả, cần kết hợp đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách, đúng thời điểm. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy, việc đeo khẩu trang cộng với rửa tay có thể giảm bệnh cúm (influenza) hữu hiệu, từ 31%-51%.

Dịch Corona thực sự nguy hiểm và không có một loại khẩu trang nào chống được dịch. Hơn nữa, loại virus này chỉ sinh sôi, phát triển mạnh ở khí hậu lạnh. Vì thế, mọi người nên hạn chế đến chỗ đông người, tăng cường uống nước, ăn cam, giữ ấm cơ thể để tăng sức đề kháng, tránh thức đêm khiến cơ thể mệt mỏi dễ bị nhiễm bệnh.

Theo Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) rửa tay quan trọng hơn đeo khẩu trang. Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông thi đua khen thưởng cho biết, khả năng bạn hứng chịu nước bọt bắn ra từ người nhiễm nCoV có xác xuất thấp hơn rất nhiều so với bị nhiễm nCoV từ chính bàn tay của mình. Bởi, bàn tay thực ra không sạch sẽ như chúng ta tưởng, nhất là từ sáng đến tối cầm vào đủ thứ mà không rửa lần nào. Vi khuẩn từ những chốt mở cửa, từ tiền, từ những cái bắt tay, từ điện thoại, từ bàn phím máy tính, từ nhùi rửa bát... dễ dàng được đưa vào cơ thể thông qua ngoáy mũi, cạy răng, dụi mắt, hay đơn giản hơn là... cắn móng tay.

Vậy nên rửa sạch tay là biện pháp hàng đầu được các chuyên gia y tế khuyến cáo để ngăn chặn nCoV xâm nhập vào cơ thể.


NHỚ:

- Chỉ cần rửa sạch tay với xà phòng diệt khuẩn BÌNH THƯỜNG. Nước rửa tay khô chỉ áp dụng ở nơi không có nước sạch.

- Rửa nhiều lần trong ngày.

- Bỏ thói quen bắt tay khi gặp nhau trong mùa dịch.

- Kết hợp rửa tay với lau sạch những nơi hay chạm tay vào như chốt cửa, chìa khóa, mặt bàn, vòi nước... bằng chất tẩy rửa thông thường. Riêng điện thoại, con chuột và bàn phím máy tính, kính đeo mắt, ví, vô lăng ô tô... thì cần những loại nước tẩy chuyên dụng hơn một chút, nhưng không hề đắt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm