Lừa đảo qua mạng: Chiêu trò cũ, vì sao vẫn khiến nhiều người sập bẫy?

Hoàng Sa
17/05/2024 - 19:37
Lừa đảo qua mạng: Chiêu trò cũ, vì sao vẫn khiến nhiều người sập bẫy?

Ảnh minh họa

Theo phản ánh được chị Lê Thị Tuyết (tên nhân vật đã được thay đổi), ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, gửi đến Báo PNVN, vào giữa tháng 3/2024, có một tài khoản Zalo kết bạn với chị và rủ chị tham gia làm việc trên sàn thương mại điện tử, bằng hình thức chốt đơn hàng nhận lãi suất.

Ban đầu, chị Tuyết tham gia với những đơn hàng từ vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng. Sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, chị nhận được từ 15% đến 20% lợi nhuận. Càng về sau, các nhiệm vụ thực hiện chốt đơn hàng càng lớn hơn, với số tiền từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng, khiến chị Tuyết ham với công việc này. 

Chị đã gom tất cả số tiền trong nhà, vay thêm tiền của bố mẹ, được hơn 100 triệu đồng để đầu tư vào "chốt đơn".

Sau khi dồn tất cả vốn liếng để "chốt đơn", chị nhận được thông báo là hệ thống bị lỗi, không rút được tiền, chị phải nộp thêm tiền vào thì tài khoản mới thông. Lo bị mất tiền, chị Tuyết đã vay mượn thêm 25 triệu đồng để nộp vào nhưng kết quả vẫn không rút được tiền. 

Sau đó, mọi thông tin liên lạc trên mạng xã hội của chị với nhóm đối tượng kia đã bị chặn. Lúc này, chị mới tỉnh ngộ và nhận ra mình đã rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Lo lắng và xót xa trước số tiền lớn đã bị mất, chị Tuyết lên mạng xã hội tìm hiểu thì thấy một số fanpage giới thiệu "có thể lấy lại tiền bị treo trên các nền tảng thương mại điện tử". Chị Tuyết đã liên hệ với trang fanpage "Tư vấn xử lý hồ sơ thanh lý hợp đồng và thu hồi vốn đầu tư/HCM-VBF", bởi chị Tuyết thấy trang fanpage này đưa ra nhiều thông tin hình ảnh, tự nhận là "Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Công an TP Hà Nội". 

Cùng với đó là những clip có gắn logo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) nên chị tin tưởng đây là đơn vị chính thống của cơ quan Nhà nước. Sau khi liên hệ qua fanpage, chị Tuyết nhận được thông tin liên lạc từ một người tự xưng là "chuyên viên tư vấn thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam". 

Người này nhắn tin hỏi han, đề nghị cung cấp thông tin, giấy tờ liên quan đến việc thực hiện công việc chốt đơn và bị treo tiền của chị Tuyết.

Chị Tuyết cho biết: "Khi tôi hỏi họ về chi phí để lấy lại tiền thì họ cho biết là "Bên công ty chúng tôi sẽ không thu trước bất kỳ khoản phí nào cho đến khi giúp bạn nhận giải ngân toàn bộ số tiền. Có một khoản thuế, phí, theo quy định của nhà nước, chủ tài khoản bắt buộc phải thực hiện trước". 

Và họ yêu cầu tôi nộp 10 triệu đồng vào tài khoản có tên chủ tài khoản là Công ty TNHH Việt Nam Handicap nên tôi đã do dự, không thực hiện việc nộp tiền theo yêu cầu của họ nữa".

Hình minh họa


Dùng chiêu trò cắt ghép hình ảnh để giăng bẫy lừa

Để làm rõ những thông tin liên quan đến nhóm đối tượng tự xưng "Tư vấn xử lý hồ sơ thanh lý hợp đồng và thu hồi vốn đầu tư/HCM-VBF", phóng viên Báo PNVN đã lần theo các thông tin trên fanpage này ở địa chỉ Tầng 5, Tòa nhà Việt/Viet Tower, số 1 phố Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội). 

Thế nhưng tại địa điểm này không có tổ chức nào như vậy. Số tài khoản 5578796789 mà các đối tượng cung cấp cho chị Tuyết và yêu cầu chuyển khoản vào đó được đăng ký dưới tên Công ty TNHH Việt Nam Handicap, có địa chỉ số 137 Lê Quang Định, Phường 14, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, mới được đăng ký thành lập và được cấp phép hoạt động từ ngày 5/3/2024.

Theo tìm hiểu, những hình ảnh liên quan đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam đăng tải trên fanpage "Tư vấn xử lý hồ sơ thanh lý hợp đồng và thu hồi vốn đầu tư/HCM-VBF" đều được lấy từ trang thông tin của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Đáng nói hơn cả là clip quảng cáo có thời lượng 35 giây, theo xác minh của chúng tôi, đây là clip được cắt ghép của Đài Truyền hình Việt Nam, người trong hình là một cán bộ Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội. Nhóm đối tượng đã cắt ghép clip này rồi ghép lời thành clip quảng cáo thu hồi tiền bị treo. 

Từ những chiêu trò dàn dựng tinh vi này, chúng đã khiến nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại tiếp tục rơi vào bẫy lần thứ hai. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo tinh vi nêu trên.

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khẳng định, các đối tượng nêu trên đã lấy hình ảnh trên trang thông tin của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để dàn dựng, mạo danh Liên đoàn nhằm mục đích lừa đảo. Thời gian qua, tình trạng mạo danh luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam diễn ra khá phổ biến trên mạng xã hội. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng, không nên tin vào những thông tin mạo danh nhằm mục đích lừa đảo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm