pnvnonline@phunuvietnam.vn
Luật Phòng, chống mua bán người 2024: Bước tiến trong bảo vệ quyền con người và bình đẳng giới
Truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã trên địa bàn huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
Với 8 chương và 63 điều, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả phòng, chống mua bán người, bảo đảm quyền lợi của nạn nhân và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
So với Luật năm 2011, Luật Phòng, chống mua bán người 2024 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ và cả cá nhân tham gia hỗ trợ nạn nhân. Luật cũng mở rộng các chính sách hỗ trợ nạn nhân, từ y tế, giáo dục, học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, cho đến hỗ trợ bảo hiểm y tế. Đây là những bước tiến mang tính nhân văn, giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, Luật cũng nêu rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 19) và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 20). Theo đó, Hội LHPN Việt Nam ngoài trách nhiệm của tổ chức thành viên Mặt trận còn có trách nhiệm: Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ, trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.
Những điểm mới nổi bật
Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng được bảo vệ, bao gồm:
+ Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân.
+ Người thân thích của nạn nhân.
+ Cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân.
Những bổ sung này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các đối tượng dễ tổn thương mà còn tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia công tác phòng, chống mua bán người.
Luật năm 2024 đặt nạn nhân làm trung tâm, nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do hậu quả của việc bị mua bán sẽ không bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Điều này thể hiện sự nhân văn và phù hợp với thực tiễn quốc tế.
Luật bổ sung các chính sách hỗ trợ toàn diện, bao gồm:
+ Hỗ trợ y tế, phiên dịch, tư vấn pháp luật.
+ Hỗ trợ học nghề, vay vốn, trợ cấp khó khăn ban đầu.
Đặc biệt, Nhà nước ưu tiên ngân sách cho vùng dân tộc thiểu số và khu vực khó khăn để triển khai hiệu quả công tác này.
Luật nghiêm cấm hành vi mua bán người từ khi còn là bào thai, dung túng, bao che hoặc cản trở việc giải cứu nạn nhân. Những quy định này không chỉ nâng cao hiệu lực pháp lý mà còn răn đe mạnh mẽ các hành vi vi phạm.
Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Luật
Trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam đã đóng vai trò tích cực và chủ động. Hội tổ chức các buổi lấy ý kiến tại 63 tỉnh, thành phố, tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo đó, Hội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội với sự tham gia của 80 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức và chuyên gia. Các ý kiến phản biện không chỉ đảm bảo luật phù hợp thực tiễn mà còn lồng ghép các yếu tố bình đẳng giới và quyền lợi của nạn nhân.
15 nội dung góp ý của Hội đã được tiếp thu, nổi bật là:
+ Đưa nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm vào Luật (Điều 4).
+ Mở rộng quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, bao gồm quyền được hỗ trợ học nghề, tư vấn và tạo việc làm.
+ Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.
Bước tiến trong bảo vệ quyền con người
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 không chỉ là một văn bản pháp lý mà còn là minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới. Việc đưa các nguyên tắc bình đẳng giới và bảo vệ nạn nhân vào Luật là cơ sở để các tổ chức, đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam, thực hiện tốt hơn vai trò của mình.
Hội sẽ tiếp tục vận hành hiệu quả các trung tâm trợ giúp xã hội như Ngôi nhà Bình Yên, nơi hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người. Đồng thời, Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống mua bán người, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng.
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 mang tính nhân văn sâu sắc, là bước tiến trong bảo vệ quyền con người và bình đẳng giới. Khi Luật đi vào cuộc sống sẽ tạo động lực để xã hội chung tay bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế. Đây không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là sứ mệnh mang tính nhân đạo và phát triển bền vững của đất nước.