pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất lồng ghép giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm vào Luật Phòng, chống mua bán người
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách – Luật pháp (TƯ Hội LHPN Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo “Lồng ghép giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm vào Luật Phòng chống mua bán người” tại tỉnh Quảng Ninh.
Về lồng ghép vấn đề giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm đối với hai nội dung về Nguyên tắc phòng, chống mua bán người (Điều 4) và Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân (Điều 6) trong Luật Phòng, chống mua bán người.
Lồng ghép vấn đề giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong các nguyên tắc phòng, chống mua bán người
Thứ nhất, đưa cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm là một trong những nguyên tắc của phòng, chống mua bán người.
Luật Phòng, chống mua bán người 2011 (Luật hiện hành) đã lồng ghép một số nguyên tắc về giới và bình đẳng giới như "Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân" (Khoản 2 Điều 4); phát huy vai trò của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng chống mua bán người (Khoản 3 Điều 4). Tuy nhiên chưa có quy định rõ ràng về nguyên tắc then chốt trong phòng, chống mua bán người là lấy nạn nhân làm trung tâm.
Cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm là một cách tiếp cận tổng thể, trong đó nạn nhân được đặt vào trung tâm, những ước muốn, sự an toàn, sự trao quyền và các vấn đề an sinh của nạn nhân được ưu tiên, không kể giai đoạn nào của tiến trình hỗ trợ.
Thứ hai, bổ sung nguyên tắc ưu tiên đối với trẻ em và phụ nữ đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ sinh con, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong công tác giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân mua bán người
Khoản 2 Điều 4 Luật hiện hành quy định nguyên tắc "Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác" là quy định mang tính chất trung tính về giới.
Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trong 5 năm (từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), cả nước phát hiện 394 vụ mua bán người với 837 đối tượng vi phạm vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người.
Nạn nhân trong các vụ án mua bán người chủ yếu là phụ nữ (chiếm 73%) và người dưới 16 tuổi (chiếm 17.5%); nạn nhân bị bóc lột tình dục là 4,8%; bị cưỡng bức lao động là 33.5%; bị lấy bộ phận cơ thể là 1% và vì mục đích vô nhân đạo khác là 60,7%.
Phụ nữ và trẻ em vẫn là những nạn nhân chính của tội phạm mua bán người trong đó nạn nhân bị bóc lột tình dục có thể để lại nhiều hệ lụy liên quan như mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. Chính vì vậy, cần có nguyên tắc về việc ưu tiên đối với những nạn nhân là trẻ em và phụ nữ đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ sinh con, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong công tác phòng, chống mua bán người.
Thứ ba, bổ sung nguyên tắc đảm bảo yếu tố giới đối với lực lượng tiếp nhận, xác minh nạn nhân mua bán người. Trong khi đa số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em có thể bị rối loạn tâm thần, sang chấn tâm lý, nhưng quy định lại không rõ ràng về đội ngũ tiếp xúc ban đầu với người bị mua bán là chưa tính đến yếu tố nhạy cảm giới, chưa lấy nạn nhân làm trung tâm, dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong việc xác định nạn nhân mua bán người, có nguy cơ hạn chế tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Thứ tư, bổ sung nguyên tắc tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mua bán người.
Tháng 7/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cũng là thể hiện được sự cam kết, nỗ lực của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người; đây là một điểm mới trong công tác phòng chống mua bán người.
Trong công tác phối hợp liên ngành về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội trong đó có nhiều nội dung liên quan đến phối hợp trong công tác phòng chống mua bán người như "Phát động phong trào vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội như: mại dâm, tổ chức môi giới mại dâm, hiếp dâm, mua bán phụ nữ và trẻ em", "nhân rộng mô hình thân thiện hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại,bị mua bán trở về". Thông qua các chương trình phối hợp đã phát huy được trách nhiệm trong công tác phòng chống mua bán người, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Do đó, công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đề nghị bổ sung nguyên tắc tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mua bán người tại Điều 4 Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành.
Lồng ghép vấn đề giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong các quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân
Thứ nhất, bổ sung quyền được bảo mật thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành có nhiều quy định liên quan tới vấn đề bảo vệ bí mật thông tin cá nhân. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 16 quy định: "Cơ quan thông tin đại chúng tham gia phòng ngừa mua bán người phải giữ bí mật thông tin về nạn nhân"; Điểm b Khoản 1 Điều 30 quy định "các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ gồm giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ"; Điều 31 quy định "bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, trong đó cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân".
Những quy định này phần nào đã quy phạm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong vấn đề bảo mật thông tin của nạn nhân mua bán người. Tuy nhiên chưa đề cập vấn đề bảo mật thông tin trong quyền của nạn nhân mua bán người là một thiếu sót. Việc bổ sung quyền được bảo mật thông về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vào quyền của nạn nhân sẽ giúp các nạn nhân nhận thức rõ ràng hơn về quyền của mình đồng thời cũng là căn cứ để các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ nạn nhân được hiệu quả hơn trước làn sóng dư luận.
Thứ hai, bổ sung quyền liên quan đến trẻ em được sinh ra trong quá trình mẹ bị mua bán sang nước ngoài.
Luật hiện hành đã có một số quy định về việc bảo vệ trẻ em nhưng thường được tiếp cận theo hướng trẻ em là nạn nhân của việc mua bán trẻ em (Điều 11, Điều 24, Điều 26, Điều 44), còn trường hợp trẻ em được sinh ra từ người mẹ là nạn nhân của tôi phạm mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục thì chưa có quy định rõ ràng.
Rất nhiều trường hợp phụ nữ là nạn nhân mua bán người sinh con ở nước ngoài nhưng khi được giải cứu trở về thì không thể đem theo con. Chính vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định quyền liên quan đến trẻ em được sinh ra trong quá trình mẹ bị mua bán sang nước ngoài.
Thứ ba, bổ sung quyền và trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống mua bán người. Luật hiện hành có riêng một điều khoản quy định về gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người.
Theo đó, trách nhiệm của gia đình được quy định tại Điều 13, gồm 04 khoản sau:
(1) Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người (2) Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người (3) Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hoà nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng (4) Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.
Việc quy định trách nhiệm của gia đình tại Điều 13 sẽ giới hạn trách nhiệm của gia đình trong công tác phòng ngừa. Có thể nói gia đình có vai trò quan trọng, là nơi đồng hành với nạn nhân mua bán người trong mọi giai đoạn, từ phòng ngừa đến hỗ trợ. Chính vì vậy, đề nghị nâng quy định tại Điều 3 Nghị định 62/2012/NĐ-CP thành quy định của Luật để nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình trong công tác phòng chống mua bán người.