Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) nhấn mạnh hơn quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân

PV
11/01/2024 - 09:19
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) nhấn mạnh hơn quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân

Lực lượng chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống mua bán người. Ảnh minh họa KT

Đánh giá về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), lãnh đạo Bộ Công an cho biết: Để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em là nạn nhân trong các vụ mua bán người, trong một số nội dung của dự thảo Luật có nhấn mạnh hơn về quyền lợi cho các chủ thể này.

Được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan, chuyên gia và người dân.

Báo cáo Thẩm định Hồ sơ dự án Luật này (ngày 27/12/2023), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết: Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành có hiệu lực thi hành 1/1/2012, tạo cơ sở pháp lý trong phòng ngừa, đấu tranh chống mua bán người, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

Theo Bộ Công an, từ 01/01/2012 đến ngày 15/02/2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố 1.744 vụ với 3.059 bị can;

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị cáo; đã xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo (đạt tỉ lệ 98,4% về số vụ và 97,8% số bị cáo).

Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, Luật này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản và toàn diện đối với tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi và những sửa đổi, bổ sung này có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quy định tại Luật Phòng, chống mua bán người.

Liên quan đến việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết: Hồ sơ dự án Luật chưa có báo cáo lồng ghép bình đẳng giới, trong khi vấn đề về phòng chống mua bán người có liên quan chặt chẽ đến vấn đề giới.

Theo bà Đặng Hoàng Oanh, nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, ngừa mua bán người cũng như tư vấn về phòng ngừa mua bán người cần được xây dựng và triển khai trên cơ sở đánh giá tác động về giới, đặc biệt khi phụ nữ và trẻ em là nạn nhân chính của tội phạm này.

Đồng thời, các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân và người đang được xác định là nạn nhân cũng cần được nghiên cứu, đánh giá trên cơ sở nhu cầu về giới và độ tuổi, có tính đến hậu quả phổ biến của tội phạm mua bán người như bị bóc lột tình dục, mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ...

Trong khi đó, các quy định hiện hành về phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân trong dự thảo Luật còn mang yếu tố trung tính, chưa thể hiện được vấn đề lồng ghép giới, như "Giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, xác minh, hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân kịp thời, chính xác". Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung Báo cáo đánh giá về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật.

Tiếp thu ý kiến này, Bộ Công an đã xây dựng Báo cáo đánh giá về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết: Qua rà soát các quy định trong dự án Luật đã đáp ứng các nguyên tắc bình đẳng giới, theo đó đảm bảo nam, nữ bình đẳng trong việc xác định là nạn nhân; thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân; chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Do các cơ chế, chính sách quy định trong dự án Luật không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và việc thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới, nên được áp dụng chung, không mang tính phân biệt đối xử về giới.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em là nạn nhân trong các vụ mua bán người trong một số nội dung của dự thảo Luật có nhấn mạnh hơn về quyền lợi cho các chủ thể này, cụ thể: Tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật quy định nguyên tắc: "Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân của họ".

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) nhấn mạnh hơn quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân- Ảnh 1.

Đa dạng các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. Ảnh minh họa

Tại khoản 5 Điều 8 dự thảo Luật quy định: "Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người.".

Tại Điều 39 dự thảo Luật quy định: "Trong trường hợp cần thiết, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của người đang trong quá tình xác định là nạn nhân, nạn nhân. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú.".

Tại điểm b khoản 1 Điều 47 dự thảo Luật quy định: "Thực hiện chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ chi phí phiên dịch phù hợp với đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân, nguyện vọng của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở;".

Theo Bộ Công an, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 67 điều (tăng 09 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 10 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 52 điều, bỏ 01 điều.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm