Bổ sung quy định hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán

PV
10/01/2024 - 13:10
Bổ sung quy định hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán

Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người với phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: BDT

Được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi tầng lớp nhân dân. Dự thảo Luật có thêm nhiều quy định mới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán.

Theo Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này. Luật hiện hành có một số quy định không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật.

 Bên cạnh đó, quy định về mua bán người, nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay chưa hoàn toàn tương thích với Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bản người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Thực tiễn thi hành các quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập. Các căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để họ được hưởng các chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí khi thực hiện tiếp nhận nạn nhân bị mua bán. 

Công tác phát hiện các vụ việc liên quan đến mua bán người còn chưa chủ động, hầu như chủ yếu phát hiện qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân.

Theo Bộ Công an, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 67 điều (tăng 09 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 10 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 52 điều, bỏ 01 điều.

Chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn. Chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho cơ quan chức năng hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý; chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng, trong khi đó các quy định về trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ chưa được quy định cụ thể trong Luật nên áp dụng chưa thống nhất...

Những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cần phải được hưởng một số chế độ hỗ trợ thiết yếu, cụ thể như ăn, mặc, ở, y tế, chi phí đi lại, hỗ trợ tâm lý... Thực tiễn các cơ quan chức năng đã tổ chức hỗ trợ các đối tượng này nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Luật Phòng, chống mua bán người không có quy định về chế độ hỗ trợ chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân, lấy lời khai hoặc lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội nên các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để thực hiện...

Bổ sung quy định hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán- Ảnh 1.

Hoạt động trao trả nạn nhân bị mua bán tại cửa khẩu, biên giới. Ảnh minh họa

Cụ thể hóa chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán

Dự thảo Luật lần này có thêm nhiều quy định mới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán.

Về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (Chương V), chương này quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này sửa đổi, bổ sung 9 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân.

Đồng thời, nâng cao hơn chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 theo hướng: "Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì mới được hỗ trợ); Cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; Được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân; trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 90 ngày; Được trợ giúp pháp lý.

Đồng thời, khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống; Khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; Nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật; Được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan, tô chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Theo Bộ Công an, từ 01/01/2012 đến ngày 15/02/2023, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố 1.744 vụ với 3.059 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị cáo; đã xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo (đạt tỉ lệ 98,4% về số vụ và 97,8% số bị cáo).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm