Luật sư: Vụ trao nhầm con rất khó xác định thiệt hại

13/07/2018 - 07:19
"Trong trường hợp này thì hai gia đình không phải bồi thường vì họ không có lỗi gì trong chuyện này mà việc nhầm lẫn hoàn toàn do phía bệnh viện. Các bên có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại", Luật sư Giáp Văn Điệp nói.
Liên quan đến vụ trao nhầm con tại BV Đa khoa Ba Vì, hiện gia đình anh Phùng Giang Sơn đã nộp đơn ra tòa án đề nghị phân xử. Dư luận đặt câu hỏi, việc anh Sơn nộp đơn ta ròa đòi con có cơ sở hay không? Hơn nữa, giả sử trong trường hợp có một trong số bố, mẹ các cháu không đồng ý trả con thì dưới góc độ pháp lý sẽ xử lý như thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Giáp Văn Điệp, Đoàn luật sư Bắc Giang, cho biết, trong trường hợp có sự tranh chấp về cha, mẹ, con, các bên đều có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con. Do vụ việc xảy ra từ năm 2012 nên tòa sẽ căn cứ theo Điều 63, 64 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 để giải quyết yêu cầu của các bên.
Cụ thể, Điều 63: Xác định cha, mẹ
1-Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.
2- Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Toà án xác định.
Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định.
33098184_975510712615936_288786059020468224_n.jpg
Luật sư Giáp Văn Điệp, Đoàn Luật sư Bắc Giang

 Điều 64. Xác định con

Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó là con mình.
Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó không phải là con mình.
Theo mục b, Điểm 5, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: khi có người yêu cầu tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không thì phải có chứng cứ. Do đó về nguyên tắc, người yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gene.
Như vậy nếu các bên có sự tranh chấp về con thì có thể làm đơn khởi kiện ra tòa xác nhận cha cho con là chính đáng và đúng pháp luật. Trong trường hợp này các đương sự có hai nguồn chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình như sau:
Thứ nhất: về mặt khoa học, thì đã có kết quả giám định ADN của các cháu.
Thứ hai: BV Đa khoa Ba Vì cũng đã thừa nhận việc giao nhầm con vào ngày 01/11/2012 và đã tiến hành  rà soát lại toàn hồ sơ, sổ sách và xác định được đúng ekip làm việc hôm đó. Vì vậy, việc BV xác nhận việc giao nhầm con là có thật và đã có biện pháp luân chuyển những người này sang làm bộ phận khác để chờ xử lý theo quy định.
Như vậy về mặt khoa học là và thực tế là hoàn toàn phù hợp với nhau. Do đó việc các bên yêu cầu Tòa án giải quyết là hoàn toàn có căn cứ.
Cũng theo luật sư Giáp Văn Điệp, vấn đề khởi kiện yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đó, khi có bản án của Tòa án có hiệu lực thì buộc các bên phải thi hành. Trong trường hợp này thì hai gia đình không phải bồi thường, vì họ không có lỗi gì trong chuyện này mà việc nhầm lẫn hoàn toàn do phía BV. Các bên có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, luật sư Điệp cho rằng, đây là trường hợp rất khó để xác định mức thiệt hại giữa các bên. Vì vậy,  các bên nên  thỏa thuận sao cho hợp tình, hợp lý tránh làm tổn hại đến tinh thần của các cháu.
trao-nham-con.jpg
Kết quả giám định ADN cho thấy bé Phùng Thanh H. đã được trao nhầm cho gia đình anh Phùng Thanh Sơn.

 

Như PNVN đã thông tin, năm 2012, gia đình anh Phùng Giang Sơn (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) đưa vợ đến BV Đa khoa Ba Vì để sinh.
Khi nhân viên y tế bàn giao con cho anh, anh thấy tã lót khác màu nên có hỏi lại. Tuy nhiên, nhân viên y tế khẳng định bị nhầm tã lót chứ không nhầm cháu.
Càng lớn, gia đình thấy con chẳng có nét giống vợ chồng anh nên đưa con đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, bé không cùng huyết thống, không phải là con của vợ chồng anh.
Sau khi phản ánh, BV Đa khoa Ba Vì đã xác định được con anh Sơn được trao nhầm cho gia đình chị Vũ Thị Hương (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội). Kết quả xét nghiệm ADN tại Viện Khoa học Hình sự- Bộ Công an cho thấy, có việc trao nhầm con giữa hai gia đình.
Cả hai gia đình rất mong muốn BV khẩn trương giải quyết sự việc để 2 cháu nhanh chóng được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, BV không tiến hành giải quyết được. Vì vậy, gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội nhanh chóng xác minh, xử lý vụ việc trên. Được biết, vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn vì cho rằng bé Đoàn Nhật M. không giống bố, cũng chẳng giống mẹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm