Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024: Dấu ấn nhân văn trong cải cách tư pháp

Lưu Thị Hồng Mơ, Phó trưởng ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam
16/01/2025 - 16:57
Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024: Dấu ấn nhân văn trong cải cách tư pháp

Ảnh minh họa

Với cách tiếp cận nhân văn, Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 không chỉ đặt người chưa thành niên ở vị trí trung tâm mà còn mở ra cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, giúp các trường hợp vi phạm sửa chữa sai lầm. Trong quá trình xây dựng luật, Hội LHPN Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em gái và yếu tố bình đẳng giới.

Cơ hội thứ hai cho người chưa thành niên phạm tội

Ngày 28/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc cải cách tư pháp, bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên - một nhóm đối tượng đặc biệt trong xã hội.

Luật quy định chi tiết về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên, từ khi bị tố giác, kiến nghị khởi tố, bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, đến giai đoạn thi hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, các thủ tục này phải đảm bảo tính đơn giản, thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên (Điều 6). Ngoài ra, luật còn chú trọng đến các nhu cầu đặc thù của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người dân tộc thiểu số và người chưa thành niên thuộc nhóm yếu thế (Điều 7).

Điểm nổi bật của Luật Tư pháp người chưa thành niên là quy định về 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, được cụ thể tại Điều 36. Những biện pháp này mang tính nhân đạo, giúp người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa sai lầm mà không bị "gắn mác" tội phạm. Đồng thời, các biện pháp cũng được thiết kế để phù hợp với mức độ vi phạm, lứa tuổi và điều kiện thực tế của từng cá nhân.

Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng luật

Hội LHPN Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, đảm bảo các quy định không chỉ phù hợp thực tiễn mà còn bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái. Hội đã tổ chức lấy ý kiến tại 63 tỉnh, thành phố, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự thảo. Một hội nghị phản biện xã hội với sự tham gia của gần 60 đại biểu đã được tổ chức, nhằm đảm bảo mọi ý kiến đóng góp được lắng nghe và tiếp thu.

12 biện pháp xử lý chuyển hướng

1. Khiển trách.

2. Xin lỗi bị hại.

3. Bồi thường thiệt hại.

4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Quản thúc tại gia đình.

6. Hạn chế khung giờ đi lại.

7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến hành vi phạm tội.

8. Cấm đến địa điểm dễ dẫn đến hành vi phạm tội.

9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề.

10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý.

11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Kết quả, 18 ý kiến của Hội đã được tích hợp vào Luật. Một số nội dung nổi bật bao gồm:

- Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện Luật; tham gia giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên; hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên (Điều 30).

- Trách nhiệm Hội LHPN Việt Nam trong quá trình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái đã được thể hiện rõ nét trong Luật, cụ thể: Hội LHPN Việt Nam phải có mặt, tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng và các hoạt động khác theo quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền (khoản 2 Điều 31); trong danh sách theo thứ tự ưu tiên thực hiện giám sát thi hành quyết định biện pháp xử lý chuyển hướng tại địa phương (điểm b khoản 2 Điều 73) và trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo thứ tự ưu tiên (điểm c khoản 2 Điều 75); có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 1 Điều 133); giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng (điểm a khoản 2 Điều 173)…

Nhân văn và phù hợp với các nguyên tắc quốc tế

Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 không chỉ mang tính nhân văn mà còn phù hợp với các nguyên tắc quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC). Với cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm, luật giúp đảm bảo quyền con người, tạo cơ hội cho người chưa thành niên làm lại cuộc đời, đồng thời giảm thiểu tỷ lệ tái phạm.

Ngoài ra, các quy định của luật cũng chú trọng đến vai trò của gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng. Gia đình có trách nhiệm giáo dục, cung cấp thông tin và giám sát hành vi của trẻ. Các tổ chức như Hội LHPN Việt Nam đảm nhận vai trò hỗ trợ pháp lý, giám sát và tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận các cơ hội học tập, việc làm sau khi thực hiện xong các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 được kỳ vọng sẽ mang lại sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận và xử lý các hành vi vi phạm của người chưa thành niên. Không chỉ đơn thuần là một văn bản pháp lý, luật còn là lời cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền trẻ em và thúc đẩy công bằng xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm