pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mất 257 năm để thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ
1, WEF vừa đưa ra khảo sát khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục và y tế, đồng thời xếp hạng 153 quốc gia về mức độ bình đẳng giới trong 4 lĩnh vực trên. Thời gian cần thiết để thu hẹp khoảng cách giới trong 4 lĩnh vực còn 99,5 năm. WEF cho rằng, lĩnh vực giáo dục và y tế đã dần đạt được bình đẳng giới trên toàn cầu. Trình độ học vấn cũng như sức khỏe tương đương (96,1% và 95,7%). Tuy nhiên, khoảng cách giới trong kinh tế gia tăng do phụ nữ thường bị ảnh hưởng nặng nề do tự động hóa, đặc biệt trong ngành bán lẻ. Mặt khác, không có nhiều phụ nữ tham gia vào các ngành nghề có mức lương tăng nhanh. Phải mất 257 năm nữa mới san bằng khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ. Khoảng cách giới trong chính trị là lớn nhất khi phụ nữ hiện chỉ nắm giữ 25,2% ghế Hạ viện và 21,2% vị trí Bộ trưởng.
Tây - Bắc Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ - Caribbean là 3 khu vực đã thu hẹp đáng kể nhất khoảng cách giới; trong khi Nam Á và Trung Đông - Bắc Phi còn phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy bình đẳng giới. Iceland được công nhận là quốc gia bình đẳng giới nhất trong 11 năm liên tiếp. Các quốc gia khác như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Nicaragua, New Zealand, Ireland, Tây Ban Nha, Rwanda, Đức đều lọt vào top 10. Yemen là đất nước xếp hạng thấp nhất trong danh sách.
Ở Đông Nam Á, Philippines là quốc gia có thứ hạng cao (16, tụt 8 bậc so với báo cáo năm 2018). Kế đến là Lào (43), Singapore (54), Thái Lan (75), Indonesia (85), Việt Nam (87), Campuchia (89), Brunei (95), Malaysia (104), Myanmar (114). WEF nhận định dù chỉ số của Việt Nam đã tăng 0,1 điểm phần trăm, nhưng mức tăng này lại thấp hơn so với một số quốc gia xếp dưới trong bảng xếp hạng năm 2018 khiến thứ hạng của Việt Nam tụt 10 bậc. Việt Nam đã cải thiện được chỉ số về Cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế của nữ giới. Khoảng 45% thu nhập trong nền kinh tế Việt Nam thuộc về phụ nữ, là mức cao nhất trong thống kê năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam còn phải làm rất nhiều để cải thiện sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam là 89 bé gái trên 100 bé trai, ở mức thấp nhất thế giới.
2, Nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg là chủ đề của bộ phim tài liệu do hãng Hulu sản xuất dự kiến ra mắt vào năm sau. Dự án "Greta", phim tài liệu về Greta Thunberg, khởi động từ lúc cô bé 16 tuổi người Thụy Điển phát động phong trào vì môi trường mang tên "Những ngày thứ sáu vì tương lai" hồi tháng 8/2018, sau khi bỏ học và biểu tình bên ngoài quốc hội Thụy Điển vào thứ 6 hàng tuần.
Dưới sự chỉ đạo của nhà làm phim người Thụy Điển Nathan Grossman, "Greta" sẽ tái hiện quá trình nhà hoạt động nhí thu hút sự chú ý của toàn cầu nhờ việc đấu tranh vì một Trái Đất bền vững hơn. Phim bấm máy hồi cuối tháng 5 và đang trong giai đoạn hậu kỳ.
3, Tỷ phú New Zealand Ron Brierley (82 tuổi), ông chủ công ty Brierley Investments, vừa bị bắt tại sân bay Sydney (Australia) với cáo buộc sở hữu tài liệu khiêu dâm trẻ em. Đây là một phần trong cuộc điều tra được cảnh sát Sydney tiến hành từ tháng 8 liên quan đến hoạt động sở hữu tài liệu lạm dụng trẻ em. "Hành lý của ông ta được lục soát, máy tính xách tay và thiết bị điện tử được kiểm tra, trong đó nghi chứa lượng lớn tài liệu khiêu dâm trẻ em", cảnh sát New South Wales cho biết trong một thông báo.
Cảnh sát sau đó áp giải Brierley đến đồn Mascot, phía Nam Sydney, cáo buộc ông 6 tội danh liên quan tới sở hữu tài liệu lạm dụng trẻ em. Cảnh sát phía New Zealand từ chối bình luận về việc họ có tham gia vào cuộc điều tra hay không. Brierley đã được bảo lãnh tại ngoại và dự kiến ra tòa vào ngày 10/2/2020 tại tòa án vùng Downing Center, Sydney.