Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách giới

14/03/2017 - 17:01
Tại Khóa họp 61 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW - 61) diễn ra ở Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ) từ 13 đến 24/3/2017, Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực thu hẹp khoảng cách giới, thực hiện mạnh mẽ các cam kết lâu dài bình đẳng giới.
1-doan-vnj.jpg
 Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (bìa phải), làm Trưởng đoàn và bà Nguyễn Phương Nga, Đại sứ -Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (thứ 2 từ phải sang), tại Phiên họp CSW-61
Khóa họp lần thứ 61 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW-61) với chủ đề “Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thế giới việc làm đang thay đổi”.

Đây là diễn đàn quan trọng của Liên hợp quốc với sự tham dự  đông đảo các đại diện Chính phủ, tổ chức đến từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và đại diện của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhà hoạt động về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ đến từ các khu vực trên toàn thế giới.

Phát biểu thay mặt các nước ASEAN tại Phiên thảo luận chung của Khóa họp  diễn ra ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là biện pháp thiết thực và hiệu quả nhất để thu hẹp khoảng cách giới, thực hiện các cam kết lâu dài về bình đẳng giới và cuối cùng là đạt được mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030”.
2-b-truong-phat-bieu.jpg
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên họp CSW-61

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các nước ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp quốc gia và khu vực. Với các nỗ lực của Việt Nam và sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) về bình đẳng giới. Hiện, tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động đạt gần 73%; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65 trên tổng số 144 nước về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ/nam là 0,92 - gần tiệm cận mức bình đẳng. Nhiều chương trình, hoạt động, mô hình hỗ trợ, đào tạo khởi nghiệp, tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng, tiếp cận thị trường cho phụ nữ, phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, và các hoạt động dạy nghề cho phụ nữ cũng được triển khai hiệu quả.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam đang đặt ra những giải pháp: (i) Hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, tiếp cận với các kỹ năng và đào tạo trong các lĩnh vực mới nổi, đặc biệt là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; (ii) Ưu tiên chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng chăm sóc và an sinh xã hội nhằm giúp phụ nữ giảm bớt gánh nặng trong gia đình và tăng cường tiếp cận bảo trợ xã hội; (iii) Đầu tư nâng cao năng suất và năng lực thu nhập của phụ nữ dựa vào nông nghiệp như là nguồn sinh kế chính và bảo đảm các lao động nữ quy mô nhỏ được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam cam kết và sẵn sàng sát cánh cùng với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các đối tác phát triển quyết tâm, nỗ lực hành động để đạt được mục tiêu chung về trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong thế giới đang dịch chuyển này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm