Máy ép trái cây: Chọn loại thường hay loại chậm

11/05/2017 - 16:14
Giá một máy ép trái cây chỉ tương đương 10 ly nước ép ngoài quán café, tiết kiệm và sạch sẽ, nhiều bà nội trợ đã lựa chọn món đồ này về để giải nhiệt cho gia đình trong dịp hè.
Tại các siêu thị điện máy, có khá nhiều loại máy ép trái cây, từ những loại nhỏ gọn phù hợp với gia đình từ 2 đến 10 người, đến những loại máy ép công suất lớn dành cho các hàng bán nước giải khát. Gần đây có thêm một loại máy ép trái cây mới xuất hiện trên thị trường, là máy ép chậm, hay còn được gọi là máy ép ly tâm. Chọn loại máy nào phù hợp với nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế của gia đình, mời bạn tham khảo gợi ý của siêu thị Điện máy gia đình (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội), để tìm hiểu ưu điểm và hạn chế của từng loại máy!

Máy ép trái cây thường
 Máy ép trái cây phổ biến trên thị trường
Ưu điểm:

Đây là loại máy đang được bán phổ biến trên thị trường, với mức giá khá rẻ, loại máy dành cho gia đình có giá từ 350.000 đồng đến 2 triệu đồng, loại máy công suất lớn, có giá từ 1 triệu đến 4 triệu đồng. Kích thước của máy khá nhỏ gọn, phù hợp với các gia đình có không gian hạn chế.

Cấu tạo máy gồm các bộ phận chính: mô tơ tốc độ cao, mâm xay với nhiều loại lưỡi dao và lưới vắt, nắp máy có ống tiếp nhiên liệu, khay hứng nước ép và xả bã. Nguyên lý hoạt động của loại máy này là khi đưa trái cây vào, mâm xay sẽ chạy với tốc độ rất cao (gần 2.400 vòng/phút) giúp hoa quả được mài nhỏ dần và tách nước ra khỏi phần bã nhờ lực ép ly tâm. Loại máy này chỉ yêu cầu cắt trái cây với kích thước đủ để đưa vào trong máy. Chính vì vậy, thời gian để làm ra một ly nước ép trái cây rất nhanh và sạch sẽ.  

Hạn chế của máy:

Do chạy với tốc độ cao nên khi hoạt động máy gây ra tiếng ồn khá lớn, máy không thể hoạt động liên tục trong thời gian dài vì sẽ gây nóng và dễ hỏng mô tơ. Khi hoạt động, máy có thể tạo ra nhiệt lượng lên đến 70 độ C làm phá vỡ phần lớn các vitamin và chất dinh dưỡng sẵn có trong hoa quả. Sau khi ép, máy không vắt kiệt được hết phần bã, nước trái cây có hiện tượng nổi bọt, kết tủa hoặc tách nước nếu không dùng ngay. Loại máy này chỉ dùng để ép củ, quả, không ép được các loại rau xanh.
 Máy còn một số hạn chế về chất lượng nước ép
Máy ép trái cây chậm

Ưu điểm:

Là loại máy ra đời sau nên áp dụng kỹ thuật hiện đại. Máy ép chậm gồm hai bộ phận chính là động cơ giảm tốc và trục vít đặc biệt, ép rau củ và hoa quả với vận tốc chỉ khoảng 85 vòng/phút, không gây tiếng ồn lớn. Nguyên lý hoạt động chậm này gần như không tạo lực ly tâm và ma sát nào đối với hỗn hợp đang ép, nước ép giữ được tới 98% lượng vitamin, bã trái cây được vắt kiệt hơn, nước ép hầu như không bị tách nước, giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên của trái cây. Máy ép chậm có khả năng ép được các loại rau xanh như rau cải, cần tây, các loại đậu đỗ ngâm sẵn… phù hợp nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau.
 Với máy ép chậm, phần bã được vắt kiệt hơn
Hạn chế của máy:

So với máy ép trái cây thường, máy ép trái cây có kích thước to và cồng kềnh hơn, cần không gian rộng để đặt máy. Với loại máy ép chậm, người sử dụng phải dành thời gian cắt nhỏ nguyên liệu, để trục vít nghiền ép được tốt hơn, tránh cho các loại rau củ bị kẹt ở trong máy. Máy ép chậm hoạt động với vận tốc thấp hơn, nên thời gian để hoàn thành một ly nước ép khá lâu.

Thêm một lý do nữa để cân nhắc khi lựa chọn, đó là máy ép chậm có giá đắt hơn các loại thông thường từ 20% đến 50%.  Một chiếc máy ép chậm loại rẻ tiền hiện có giá từ 800.000 đồng, loại máy chất lượng tốt có giá từ 2.500.000 đồng đến 6 triệu đồng.

Mời bạn xem clip về máy ép trái cây chậm, một loại máy còn khá mới trên thị trường hiện nay:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm