pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ 90 tuổi yêu cầu con gái 58 tuổi gọi điện về nhà sau mỗi ngày chống dịch
Trong cuộc chiến chống SARS năm 2003, Đồng Xảo Hà đã làm việc ở tiền tuyến. Năm 2013, Vũ Hán hỗ trợ khu vực bị động đất Nhã An, Tứ Xuyên (Trung Quốc), cô cũng xông pha tiền tuyến. Lần trợ giúp bệnh viện địa phương ở Thạch Hà Tử, Tân Cương, Đồng Xảo Hà cũng ở lại hơn 1 năm… Nhưng những gì cô đã trải qua ở trên, đều không bằng 1 tháng vừa qua ở Vũ Hán.
Năm 1985, Đồng Xảo Hà tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Vũ Hán. Từ một bác sĩ bình thường đến Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán, từ "Tiểu Đồng" đến "chị Đồng" đến "cô giáo Đồng", Đồng Xảo Hà đã làm việc này trong hơn 30 năm. Năm nay, cô đã bước sang tuổi 58, thể chất và năng lượng của cô không còn dồi dào như trước.
Vào cuối năm ngoái, trong một lần kiểm tra sức khỏe nhân viên, cô được phát hiện tử cung có vấn đề. Xảo Hà hỏi ý kiến 5 đồng nghiệp làm việc trong phụ khoa và 4 người cho rằng cô cần làm phẫu thuật gấp. Nhưng vì quá bận rộn, cô tính chờ gần Tết làm phẫu thuật sau đó tranh thủ nghỉ dưỡng dịp lễ luôn.
Là trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện, Đồng Xảo Hà không có thời gian nằm xuống bàn mổ mà thay vào đó là mặc quần áo bảo hộ và khẩu trang để vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát và việc đóng cửa thành phố sau đó đã phá vỡ kế hoạch của Đồng Xảo Hà. Với lịch sử gần trăm năm, bệnh viện Hiệp Hòa có vị trí rất cao trong lòng người dân Vũ Hán. Đây cũng là một trong những cơ sở sớm nhất tiếp nhận chẩn đoán điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây được coi như một pháo đài, một ngọn cờ tiên phong, nếu sụp đổ, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào niềm tin phòng chống dịch bệnh Vũ Hán.
Cha mẹ của Đồng Xảo Hà đã 90 tuổi. Cha cô là thế hệ nhà khoa học hạt nhân đầu tiên ở Trung Quốc những năm 1930 và là giáo sư tại Đại học Kỹ thuật Hải quân trước khi nghỉ hưu. Cặp vợ chồng già rất hiểu chuyện, con gái bước ra tiền tuyến, họ không hề phản đối. Cha mẹ của Xảo Hà chỉ có yêu cầu duy nhất là hãy về nhà và gọi điện về nhà hàng ngày cho bố mẹ để báo cáo cô vẫn bình an.
Trước khi rời đi, mẹ cô nói: "Con hay vội, khẩu trang, găng tay phải đeo cẩn thận để bảo vệ chính mình." Dù tan ca muộn thế nào, Đồng Xảo Hà đều về nhà mỗi ngày. Ngoài yêu cầu của bố mẹ, còn có một lý do khác- chồng cô cũng bị ốm. Anh bị sốt, nhưng vì khi đó giường bệnh thiếu thốn, lại sợ bị lây nhiễm nên chọn ở nhà cách ly và cần cô chăm sóc.
Ban ngày điều trị cho bệnh nhân trong bệnh viện, tối lại đạp xe về nhà để chăm sóc chồng. Đồng Xảo Hà không cảm thấy vất vả, vì trong thời kỳ đặc biệt này, chẳng ai ở Vũ Hán có cuộc sống dễ dàng. Mỗi ngày của cô đều có một guồng quay quen thuộc.
Từ khi Vũ Hán đóng cửa thành phố, và dừng các phương tiện giao thông, Xảo Hà lựa chọn xe đạp để tiện cho việc đi lại. Cô ra khỏi nhà từ sáng sớm và đạp xe nửa tiếng tới bệnh viện. Công việc đầu tiên của Xảo Hà là trao đổi với đồng nghiệp trực ca trước để hiểu rõ về tình hình biến chuyển của bệnh nhân.
Hai năm nữa, cô sẽ 60 tuổi, nhưng khi bắt đầu làm việc, cô vẫn thể hiện năng lực mạnh mẽ của mình y như khi còn trẻ. Tất cả các bệnh nhân nhập vào ICU đều được chẩn đoán hoặc nghi ngờ bị bệnh nặng. Các bác sĩ làm việc ở đây thay nhau mỗi ngày, ngoại trừ Đồng Xảo Hà là bác sĩ nội trú.
Trước khi vào khu cách ly, Đồng Xảo Hà mặc quần áo bảo hộ, mặc áo choàng, đeo kính bảo hộ, đeo găng tay và mặc áo hai lớp... Cô vừa yêu vừa hận bộ đồ "vũ trụ" này. "Điều tôi yêu là sự bảo vệ cho bản thân và điều tôi ghét là trải nghiệm mặc cực kỳ khó chịu. Nó hoàn toàn kín gió và đổ mồ hôi sau khi đi bộ xung quanh. Tôi mặc nó vài giờ mỗi ngày và cảm thấy cơ thể như bị chảy nước."
So với hai tuần trước, tình hình ở đây đã thay đổi. Nhớ lại lần đầu tiên vào khu cách ly kiểm dịch, đó là ngày buồn nhất đối với cô. Bệnh nhân không có chỗ dựa, nhân viên y tế thiếu hụt vật tư hỗ trợ, mọi thứ tồi tệ chồng chéo lên nhau khiến cô cảm thấy bất lực. Cô thường khích lệ bệnh nhân bằng câu nói "Hãy tin tưởng chúng tôi, hãy tin vào chính mình!". Nhưng thực ra đây cũng chính là nói cho bản thân nghe.
Để tránh nhiều người có nguy cơ bị lây chéo, Đồng Xảo Hà thường tự mình làm công việc lấy dịch họng của các bệnh nhân nguy kịch.
Sau khi ra khỏi khu cách ly, cởi bỏ đồ bảo hộ, mồ hôi túa ra, Đồng Xảo Hà cảm thấy thư giãn. Sau đó, cô và các bác sĩ xem xét CT của bệnh nhân, thảo luận và đưa ra kế hoạch điều trị, tăng hoặc giảm thuốc.
Phân tích kết quả khám bệnh nhân, điều trị bệnh nhân mới, chuyển bệnh nhân đến bệnh viện được chỉ định... Một ngày của khu bệnh nặng trôi qua trong bầu không khí bận rộn và căng thẳng.
Đối với Đồng Xảo Hà, tin tốt nhất nhận được trong ngày là 2 bệnh nhân nguy kịch đã được chữa khỏi và có thể được xuất viện. Không khí vui vẻ thoáng chốc thay thế sự căng thẳng thường trực trong văn phòng.
Xảo Hà nói rằng, cô không coi mình là một chiến binh, cô chỉ làm những gì cô nên làm.
Gần 9 giờ tối, Đồng Xảo Hà viết xong bệnh án và rời khỏi phòng bệnh… Xảo Hà nói rằng, cô không coi mình là một chiến binh, cô chỉ làm những gì cô nên làm. "Tôi là một người phụ nữ rất bình thường". Cô yêu công việc và cuộc sống, thích theo dõi các bộ phim truyền hình. Cô thích xem "Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên". Cái chết bất ngờ của diễn viên Cao Dĩ Tường năm ngoái khiến cô cảm thấy rất buồn.
Đi bộ trên đường, Đồng Xảo Hà vừa đi vừa làm vài động tác giãn cơ. Nhìn những con đường nhộn nhịp ngày xưa, giờ vắng tanh, lòng cô cũng trùng xuống. "Tôi cũng đã nghĩ đến việc thuê một căn phòng gần bệnh viện, như vậy sẽ dễ dàng hơn. Nhưng chồng tôi vẫn đang đau yếu ở nhà và không thể làm gì nếu không có tôi."
Sau khi đi được một lúc, Xảo Hà có tâm trạng tốt hơn, tìm thấy một chiếc xe đạp công cộng (rất phổ biến ở Trung Quốc) và bắt đầu vội vã đạp về nhà.
Nửa tiếng sau, cô về tới nhà. Mặc dù chồng cô cách ly nghiêm ngặt trong phòng, nhưng Xảo Hà vẫn tiến hành tự bảo vệ và khử trùng đúng cách, khẩu trang chưa từng tháo ra. Đầu tiên cô gọi cho bố mẹ bằng điện thoại cố định, báo cáo rằng mình bình an, sau đó bắt đầu bật bếp nấu nướng. Cô làm hai phần thức ăn, một cho mình và một cho chồng.
"Không chỉ tôi, tất cả mọi người trong thành phố này đều quá tải. Nhiều nhân viên y tế, như tôi, đã chạy đi chạy lại giữa công việc và gia đình để tìm điểm cân bằng. Có thể chống đỡ được ngày nào hay ngày ấy, được giờ nào hay giờ ấy. Miễn là tinh thần không sụp đổ, không có cửa ải nào không thể vượt qua!"
"Tôi không mong đợi được ca ngợi. Tôi chỉ hy vọng rằng đây là sự cố sức khỏe cộng đồng cuối cùng tôi trải qua trước khi kết thúc sự nghiệp."
Một tháng sau khi Vũ Hán đóng cửa thành phố, phóng viên liên lạc lại với Đồng Xảo Hà và nhận được hai tin tốt từ cô: Một là chồng cô đã bình phục; hai là, tình hình ở tiền tuyến đã tốt hơn nhiều so với khi phóng viên gặp cô. Cảm giác bất lực trong lòng Xảo Hà đang được thay thế bằng một niềm tin vững chắc: "Tôi tin mọi thứ sẽ qua và chúng ta sẽ ổn!".