Mẹ choáng váng nghe tin con 17 tuổi đột quỵ trong phòng tập thể hình

08/11/2017 - 09:41
Trong lúc tập thể hình, Đ.V.H (17 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị đột quỵ. Đến bệnh viện khám, chàng trai được chẩn đoán bị dị dạng mạch máu hiếm gặp.
Tại giường bệnh thuộc khoa ngoại lồng ngực - mạch máu - thần kinh, Bệnh viện Trưng Vương, Đ.V.H đã có thể thoải mái nói chuyện với mọi người sau hơn cả tuần điều trị. Ngồi trên giường bệnh của con, chị Nguyễn Thị Kim Tuyền (47 tuổi  - mẹ của H.) vẫn chưa hết lo lắng.

Chị Tuyền cho biết, vào cuối tháng 10 vừa rồi, khi chị đang ở nhà thì hay tin con bị đột quỵ ngay tại phòng tập thể hình. Trước đó, H. hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử động kinh. “Khi nghe tin như vậy thì tôi choáng váng, muốn xỉu theo con”, chị Tuyền nói.

Khi đột quỵ thì H. được nhanh chóng đưa đến phòng khám gần đó, sau khi tỉnh thì về nhà. Tuy nhiên, đến đêm hôm đó thì H. bị nôn, nhức đầu. Sáng hôm sau, gia đình đưa H. đến một bệnh viện gần nhà thăm khám thì được chẩn đoán… viêm tụy. Thấy chẩn đoán bất thường nên gia đình tiếp tục đưa H. đến Bệnh viện Trưng Vương để khám lại.

BS CKII Nguyễn Hiền Nhân, khoa ngoại lồng ngực - mạch máu - thần kinh,  Bệnh viện Trưng Vương cho biết, qua chẩn đoán hình ảnh và chụp DSA (chụp mạch máu xóa nền) thì thấy bệnh nhân bị xuất huyết não, dị dạng mạch máu hiếm gặp. Bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch bên phải, dị dạng thông động tĩnh mạch.

Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không được điều trị, không mổ để lấy dị dạng ra thì có nguy cơ tái xuất huyết, đột tử.

Bác sĩ đang hỏi han tình hình sức khỏe của H.


Tuy nhiên do dị dạng nằm sâu nên bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật, không mở hộp sọ. Cuối cùng, các bác sĩ đã dùng phương án can thiệp nội mạch để chấm dứt tình trạng xuất huyết do rò động tĩnh mạch cho bệnh nhân. Sau khi được can thiệp thì sức khỏe bệnh nhân tốt, tỉnh táo.

BS CKI Ngô Minh Tuấn, Trưởng Đơn vị cạn thiệp mạch máu – Bệnh viện Trưng Vương cho biết, với bệnh nhân này, các bác sĩ phải can thiệp để chấm dứt tình trạng xuất huyết não trước. Sau đó, khi tình trạng bệnh nhân ổn, bác sĩ mới tiếp tục thực hiện can thiệp để giải quyết tình trạng dị dạng thông động tĩnh mạch. Nếu không can thiệp, nguy cơ tái đột quỵ chắc chắn sẽ xảy ra.

Tỉ lệ dị dạng mạch máu ở cộng đồng là 1-2%. Tuy nhiên, dị dạng mạch máu kiểu động tĩnh mạch thông nhau thì khá hiếm. Các bác sĩ đang đặt giả thiết bệnh nhân bị dị dạng thông động tĩnh mạch di truyền.

Được biết, đối với bệnh lý này thì chi phí điều trị có thể lên đến hơn 100 triệu đồng. Riêng đối với trường hợp của H., sau khi được bảo hiểm y tế chi trả và được sự hỗ trợ của bệnh viện thì chi phí còn khoảng hơn 20 triệu đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm