pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ dùng thanh nứa cắt dây rốn khi tự sinh con, 3 ngày sau bé bị co giật
Bệnh nhi đang được chăm sóc tại BV Đa khoa tỉnh Cao Bằng (ảnh: BVCC)
Ngày 23/9, Khoa Nhi (BV Đa khoa tỉnh Cao Bằng) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi D.M.Q. (trú tại xã Lương Thông, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) bị uốn ván sơ sinh do mẹ dùng thanh nứa cắt dây rốn.
Trước đó, giữa tháng 9/2020, BV tiếp nhận bệnh nhi (khoảng 3 ngày tuổi) trong tình trạng nguy kịch. Gia đình cho biết, sản phụ tự sinh tại nhà và cắt rốn bằng thanh nứa. Mẹ bé cũng không khám thai định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Sau sinh 3 ngày, em bé bỏ bú, thở yếu, co giật liên tục, nhạy cảm với kích thích nên gia đình đưa đến BV tuyến huyện cấp cứu. Tuy nhiên, do diễn biến nặng nên bệnh nhi được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh. Hiện tại, bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại khoa Nhi nhưng vẫn phải thở máy, dùng thuốc chống co giật, kháng sinh chống nhiễm trùng và truyền dịch nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch.
BV cũng cho biết, từ đầu năm nay đã tiếp nhận và điều trị cho 6 bé bị suy hô hấp do uốn ván rốn sơ sinh. Trong đó, đa phần là do sản phụ tự sinh con tại nhà, dùng những dụng cụ không được diệt khuẩn như: dao, tre, nứa, sợi chỉ, thậm chí là sợi thừng để cắt, thắt rốn trẻ sơ sinh.
PGS.TS Nguyễn Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết, uốn ván rốn sơ sinh là bệnh rất nguy hiểm. Bệnh do trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập qua rốn gây ra. Uốn ván rốn sơ sinh có thể gây tử vong lên đến 80%, dù trẻ có sống sót cũng có thể mang di chứng thần kinh, tâm thần suốt đời.
Hiện nay, bệnh này hoàn toàn có thể dự phòng bằng cách phụ nữ mang thai nên khám thai định kỳ và đến sinh tại trạm y tế, không đẻ ở nhà. Mọi thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván. Nếu trẻ sinh trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn, đẻ rơi và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai thì nên tiêm phòng uốn ván với SAT 1.500 đơn vị, tiêm bắp một lần sau đẻ.