pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ nấu ẩm thực 3 miền, biến tấu các món Thái - Nhật - Trung cho bé
Bổ sung thực đơn dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển cả về thể lực và trí tuệ, đặc biệt ở lứa tuổi 0 - 3 tuổi. Nhiều bố mẹ chia sẻ con không thích ăn, ăn không hết suất hoặc rơi vào tình trạng biếng ăn. Theo các chuyên gia, nếu được chuẩn bị một thực đơn đầy đủ dinh dưỡng với màu sắc bắt mắt, khẩu vị phù hợp thì chắc chắn sẽ cải thiện được vấn đề này.
Chị Phương Bội Uyên (27 tuổi, sống tại Đắk Lắk), mẹ của em bé Phú Tường (biệt danh Sữa, 2 tuổi) cho biết chị rất coi trọng việc ăn uống hàng ngày của con. Một em bé được chăm sóc đầy đủ, đảm bảo các nhóm dưỡng chất sẽ khỏe mạnh, chống lại các bệnh vặt. Vì thế, chị ưu tiên nấu ăn và khá tỉ mỉ khi chuẩn bị đồ ăn cho con.
Các món ăn trong ngày đảm bảo không trùng lặp, lượng đồ ăn đủ cho em bé.
Các món tráng miệng cũng hấp dẫn, thơm ngon không kém.
"Mình làm đồ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và trình bày đẹp mắt, ưu tiên những món con thích ăn. Thường thì em bé chỉ thích ăn một số món nhất định, nếu chỉ làm theo thực đơn như vậy thì sẽ không đảm bảo cho sự phát triển của con. Mẹ nên biến tấu nhiều món để con được tiếp xúc với các loại thực phẩm khác nhau", chị Uyên chia sẻ.
Thực đơn của bà mẹ 9x thay đổi liên tục, trong tuần gần như hạn chế trùng lặp nhau. Thêm vào đó, tùy vào khả năng ăn uống của con, chị Uyên sẽ thiết kế bữa ăn sao cho vừa đủ, không thừa để không phải ăn lại đồ ăn vào bữa tiếp theo. Với mẹ hiện đại ngày nay, có rất nhiều công cụ hỗ trợ nấu bếp như các loại máy móc sẽ tiết kiệm thời gian và công sức của các mẹ bỉm, giúp mẹ vừa đảm bảo việc nấu nướng vừa có thời gian dành riêng cho bản thân.
Món nào cũng hấp dẫn, thơm ngon.
"Một ngày mình dành thời gian 15-20 phút, hiện tại có nhiều máy móc như nồi nấu chậm, nồi hấp, máy nấu sữa hạt hỗ trợ nên rất tiện lợi. Bé có món thích, có món không, có món trình bày đẹp mắt hoặc lạ thì con thích. Con có ngày ăn nhiều, có ngày ăn ít hơn hoặc tùy vào khẩu vị của con.
Thường mình sẽ lên list trước về những bữa ăn trong tuần để đi chợ, các nguyên liệu sẽ là thực phẩm sạch và các món thường xuyên thay đổi, ví dụ buổi sáng ăn món nước, bánh mì, trưa thì cơm, bún, miến, mì, không ăn lại đồ ăn của bữa trước. Mình thay đổi bằng cách chế biến đa dạng: ẩm thực miền Bắc - Trung - Nam luân phiên với các món cơm truyền thống, với bún mì miến thay đổi thường xuyên hoặc học thêm món kiểu Nhật, Thái, Trung biến tấu phù hợp với em bé trong từng giai đoạn", chị Uyên chia sẻ thêm.
Mỗi mùa sẽ có đặc điểm khí hậu khác nhau, cơ thể trẻ cũng có sự thay đổi để thích nghi với thời tiết. Do đó, khi lên thực đơn cho trẻ, người chăm sóc cần thay đổi thực đơn linh hoạt phù hợp với sự phát triển của trẻ. Ví dụ, mùa nóng, bé nên ăn các món ăn tươi mát có khả năng giải nhiệt, mùa lạnh, bé nên ăn các món ăn có tính ấm, dễ tiêu hóa.
Nguyên tắc thiết kế thực đơn dinh dưỡng cho bé khoa học và hợp lý?
Sử dụng tháp dinh dưỡng
Để có thể lên thực đơn bữa ăn cho bé cân đối và đầy đủ, thì mẹ có thể dựa vào tháp dinh dưỡng. Tháp dinh dưỡng có đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng giúp mẹ lựa chọn và không bị bỏ sót nhóm chất nào.
Có nhiều loại tháp dinh dưỡng dành cho từng đối tượng khác nhau. Tùy vào từng độ tuổi sẽ có những tháp dinh dưỡng phù hợp.
Đa dạng món ăn và nguồn thực phẩm
Để tạo cảm giác kích thích trẻ trong các bữa ăn, mẹ nên thường xuyên thay đổi món ăn và phối hợp nhiều loại thực phẩm từ các nhóm chất khác trong chế biến. Tuy vậy bạn vẫn cần phải đảm bảo đầy đủ và cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng trong thực đơn của bé. Việc đa dạng món ăn giúp trẻ thích thú hơn trong việc ăn uống và hạn chế tình trạng chán ăn.
Trang trí món ăn
Trẻ rất dễ bị thu hút bởi màu sắc và hình thù lạ. Bạn có thể trang trí món ăn bằng nhiều hình dạng và màu sắc. Món ăn đẹp mắt sẽ khiến trẻ hứng thú hơn trong việc ăn uống.