pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ Việt Nam Anh hùng là tấm gương mẫu mực cho con cháu

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Sùng là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo
2 lời hứa không thể thành hiện thực
Chiến tranh đã lùi xa. Những vết thương trên thịt da theo năm tháng cũng lành lại nhưng những vết thương lòng "các mẹ vẫn còn nặng mang". Trong căn nhà nhỏ, nơi treo di ảnh của chồng, con cùng những Huân chương, Huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công do Đảng và Nhà nước trao tặng, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Sùng xúc động kể câu chuyện cuộc đời mình.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Sùng sinh năm 1942 trong một gia đình nông dân có 9 người con. Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống của người dân địa phương vô cùng khó khăn. Hưởng ứng phong trào yêu nước, tuổi thanh xuân của Mẹ gắn liền với những hoạt động kêu gọi nhân dân đánh đuổi kẻ thù, tiếp tế lương thực, ủng hộ tiền tuyến. Trong những ngày tháng sục sôi ấy, cô gái Đinh Thị Sùng đã gặp gỡ và nên duyên với người thanh niên Nguyễn Văn Nghị, người cùng thôn. Tháng Chạp năm 1960, họ làm đám cưới. Sau đó chưa được 1 tháng thì ông Nghị phải lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Năm 1963, ông hoàn thành nghĩa vụ trở về. Những tưởng vợ chồng sẽ được đoàn tụ lâu dài nhưng chỉ 2 năm sau, tháng 3/1965, ông Nghị nhận lệnh trở lại chiến trường miền Nam, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lần đi này, ông Nghị trăn trở lắm, bởi vợ đang mang thai người con thứ hai. Nhưng vì tiếng gọi của Tổ quốc, ông đành gạt nỗi niềm riêng, trở lại chiến trường. Ngày lên đường, ông Nghị dậy sớm, tự tay nấu bữa cơm gia đình, rồi dặn dò: "Thầy u và em ở nhà yên tâm giữ gìn sức khỏe, thắng giặc con sẽ về". Người vợ lặng lẽ nhìn theo bóng chồng khuất dần, trong lòng mang một niềm hy vọng ngày được đoàn tụ. Nào ngờ, đó lại là lần cuối cùng họ được gặp nhau.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Sùng
Ngày 16/4/1967, trong một trận giao tranh ác liệt với địch ở mặt trận phía Nam, ông Nguyễn Văn Nghị đã anh dũng hy sinh. Nhận được tin báo tử của chồng, người phụ nữ ấy như tan nát cõi lòng. "Lời hứa trở về của ông ấy mãi mãi không trở thành hiện thực", Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Sùng nghẹn ngào nói.
Sau ngày đất nước thống nhất, niềm vui hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới nổ ra. Một lần nữa, Mẹ Sùng lại nén lòng tiễn người con trai cả Nguyễn Văn Quyết (SN 1963) lên đường nhập ngũ tại trường trinh sát đặc công ở Thanh Hóa. Năm ấy, anh Nguyễn Văn Quyết vừa hoàn thành kỳ thi đại học, đang chờ báo kết quả. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xin gia nhập quân đội, tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sợ con dang dở ước mơ, Mẹ Sùng nói: "Để u lên xã xin hoãn đến đợt sau, cho con được đi học". Thế nhưng noi gương cha mình, anh Quyết nắm tay Mẹ động viên: "U ơi! Tổ quốc đã gọi tên mình, con sẽ lên đường, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì học cũng chưa muộn!".
"Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Sùng rất tích cực tham gia phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bản thân Mẹ là người đã đề xuất, ủng hộ 1.000 viên gạch phục vụ xây nhà cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Trước tấm gương của Mẹ, nhiều người dân trong xã cũng tiến hành quyên góp, ủng hộ để xây dựng nhà mới, khang trang cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Không dừng ở đó, trong các phong trào thiện nguyện của xã, của địa phương, Mẹ Đinh Thị Sùng cũng là người rất tích cực tham gia".
Ông Ngô Mạnh Tuyên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thái Sơn (nay là xã Hợp Thịnh, tỉnh Bắc Ninh)
Và rồi anh Quyết đã mãi mãi không thể trở về, lời hứa "dành tặng 8m vải để mẹ may chăn" của anh cũng không thể thực hiện được. Anh lính công binh Nguyễn Văn Quyết đã anh dũng nằm lại chiến trường mãi mãi ở tuổi 22 (năm 1985). Kỷ vật còn lại của anh chỉ là tấm ảnh nhỏ, chứng minh thư nhân dân và một thẻ đoàn viên. Mặc dù gia đình đã nhận được giấy báo tử nhưng hài cốt của anh Quyết vẫn nằm trên đất bạn. Sau nhiều tháng ngày tìm kiếm, năm 1997, hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Văn Quyết đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Những lúc nhớ con, Mẹ Đinh Thị Sùng lại đến nghĩa trang, ngồi cạnh mộ con mà tâm sự. Hàng năm Mẹ lấy ngày con lên đường nhập ngũ để làm giỗ cho con. Vết thương lòng của Mẹ đã được bù đắp bởi có sự động viên kịp thời của chính quyền địa phương và bà con hàng xóm. Và với những cống hiến cho Tổ quốc, tháng 4/2014, Mẹ Đinh Thị Sùng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cần mẫn nêu gương sáng cho con cháu
Lúc chồng hy sinh, Mẹ Đinh Thị Sùng mới 25 tuổi. Mẹ đã ở vậy thờ chồng, nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già. Được sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Mẹ Đinh Thị Sùng coi đó là niềm tự hào. Tình yêu quê hương, đất nước đã biến thành động lực để Mẹ tích cực lao động sản xuất, là đội trưởng đội trợ sản, giúp đỡ chị em phụ nữ có chồng chiến đấu xa nhà việc nhà, việc đồng áng. Hiếm khi nào xã viên trong hợp tác xã thấy người phụ nữ ấy ngơi nghỉ: Sáng nhổ mạ, trưa cắt cỏ, chiều cấy, tối tranh thủ gánh phân bón ruộng lấy công. Vất vả là vậy nhưng hễ rảnh, Mẹ lại tranh thủ học chữ, tập làm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Với sự tháo vát, nhanh nhẹn, Mẹ được giao đảm nhận Đội phó Đội sản xuất thôn Quế Sơn, quản lý sổ sách và điều hành xã viên trong việc cấy hái, phân tro, tưới tiêu để cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Từ năm 1985 đến năm 1990, Mẹ tham gia Ban Chấp hành Hội LHPN xã Thái Sơn (nay là xã Hợp Thịnh), trở thành "cầu nối" giúp hội viên phụ nữ tiếp cận tri thức nuôi dạy con cái, tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Năm nay đã bước sang tuổi 83, Mẹ Đinh Thị Sùng vẫn luôn tích cực hưởng ứng các phong trào tại địa phương và sống có trách nhiệm với xã hội. Mẹ Đinh Thị Sùng và gia đình luôn gương mẫu đi đầu, chấp hành tốt những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào địa phương. Trong gia đình, Mẹ là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo.