Mô hình kinh tế tập thể mở đường cho chị em khởi nghiệp, làm giàu

25/04/2019 - 15:26
Mô hình kinh tế hợp tác xã đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần chị em phụ nữ tại địa phương, là khẳng định của các đại biểu tham gia buổi hội thảo “Vai trò của Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã” do Hội LHPN TP. Hà Nội tổ chức vào ngày 25/4/2019.
Thực hiện sự chỉ đạo cùa Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, sự chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam; 15 năm qua, Ban Thường vụ LHPN TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ toàn Thành phố triển khai nhiều giải pháp, tổ chức nhiêu hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của hội viên về mô hình kinh tế tập thể; tăng cường vai trò cùa phụ nữ trong xây dựng phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã; gắn việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể với việc thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường" .
 
Nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả
 
Qua nhiều năm triển khai, trên địa bàn thủ đô, nhiều mô hình kinh tế tập thể đã ra đời và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút đông đảo hội viên, chị em phụ nữ tham gia.
 
 
20190425_141112.jpg
Mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần chị em phụ nữ tại địa phương

 

Tiêu biểu trong số đó là hợp tác xã nông sản phụ nữ Phú Xuân Hương, là HTX đầu tiên được thành lập trên địa bàn thủ đô, gồm 03 tổ liên kết của các xã Phú Cát, Đông Xuân và Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình tổ liên kết sản phẩm nông sản an toàn, cung ứng ra thị trường, các nhà hàng các loại thực phẩm: rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng… có nguồn gốc xuất xứ, rõ ràng.
 
Cũng hướng đến mục tiêu quảng bá, phát triển các sản phẩm nông sản an toàn, HTX Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ lại tập trung vào mô hình trồng bưởi Diễn tập trung, áp dụng phương pháp hữu cơ, trên diện tích đất 155ha; song song đó, sản xuất rau củ quả trồng an toàn và trong thời gian tới HTX sẽ áp dụng phương pháp trồng lúa theo phương pháp hữu cơ.
 
6.JPG
Các sản phaaran của HTX Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, HN

 

Chia sẻ kinh nghiệm của HTX, chị Mùi, đại diện HTX Nam Phương Tiến cho biết, ngoài việc tận dụng, tranh thủ mọi nguồn lực, thế mạnh của địa phương để tiến hành sản xuất, các thành viên trong HTX còn rất chú trọng việc đi kết nối, tiếp thị, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm của địa phương với khách hàng, chứ không thụ động ngồi trông chờ khách hàng tự đến với mình như thời gian trước.
 
Tại các quận, huyện của thủ đô, Hội phụ nữ các cấp cũng đã tuyên truyền, vận động thành lập nhiều HTX hoạt động trong các lĩnh vực da giầy, chăn nuôi bò sữa… mang đến thu nhập ổn định, cơ hội phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ.  
 
Vai trò của hội phụ nữ trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể
 
Làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chị em tại các địa phương phát huy được vai trò của mình trong HTX, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và xã hội, Hội phụ nữ đã khẳng định được vai trò của mình trong trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.
 
Phát biểu về vấn đề này, tại buổi hội thảo “Vai trò của Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Các cấp hội phụ nữ không chỉ đẩy mạnh vận động, tuyên truyền mà còn tích cực phổ biến các chính sách tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hợp tác xã cùa Chính phủ và các tổ chức tín dụng đến cán bộ, hội viên Hợp tác xã, tổ hợp tác; tôn vinh, biểu dương các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi trong các phong trào thi đua và nhiệm vụ của Hội.

Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp hội đều tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, tổ liên kết do hội phụ nữ hỗ trợ thành lập trên địa bàn thành phố tới cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân Thủ đô.

 
Từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN TP. Hà Nội đã hỗ trợ thành lập 7 HTX, 4 tổ hợp tác và 13 tổ, nhóm liên kết để giúp phụ nữ liên kết, hỗ trợ lẫn nhau sản xuất, kinh doanh; tổ chức 5 lớp tập huấn cho trên 140 lượt cán bộ quản lý các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết do các cấp Hội hỗ trợ thành lập; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức hội thảo, tham quan, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tại các HTX các mô hình kinh tế đông hội viên phụ nữ tham gia như: HTX rau an toàn xã Tiền Lệ (Hoài Đức), thịt lợn sạch (Thạch Thất), HTX nấm Sáng Thiện (Sóc Sơn), HTX hoa lan (Phúc Thọ)...; tạo điều kiện cho trên 2000 hội viên phụ nữ của các quận nội thành, hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn của Ngân hàng và các tổ chức quốc tế, các chương trình tín dụng.
 
3.JPG
Hàng năm, các cấp hội đều tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, tổ liên kết
                                                                                  
Việc thành lập, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do Hội phụ nữ đảm nhận đã phát huy vai trò cùa Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân; góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm