pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Mong Bệnh viện Việt Đức sớm nhập được vật tư y tế để người bệnh đỡ khổ!"
Chị L.T.T. lo lắng vì em trai vẫn chưa được phẫu thuật
Liên quan đến sự việc từ 1/3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) dừng mổ phiên do cạn kiệt vật tư y tế, ngày 2/3, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã tới bệnh viện Việt Đức ghi nhận ý kiến phản ánh của người nhà bệnh nhân.
Chị N.T.P. (quê Hải Dương) cho biết, mấy ngày nay, nghe tin Bệnh viện Việt Đức cạn kiệt hóa chất, vật tư y tế, chị vô cùng lo lắng.
"Mẹ tôi hơn 70 tuổi, bị đau cột sống, đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Các bác sĩ tại địa phương bảo phải phẫu thuật để cải thiện hơn. Tôi đã đưa mẹ ra Bệnh viện Việt Đức để làm hồ sơ đăng ký mổ. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tuần rồi mà mẹ tôi vẫn chưa được mổ.
Phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức thì rất đông, giờ mà thiếu thuốc thì sẽ làm quá trình điều trị không kịp thời. Ngoài ra, cũng tăng thêm chi phí cho bệnh nhân khi điều trị. Nếu trong vài ngày nữa mẹ tôi chưa được mổ thì chắc gia đình tôi sẽ xin bệnh viện đưa mẹ về. Chứ ở đây tốn kém quá, mà chẳng biết đến khi nào mới được mổ", chị P. nói.
Ngồi ngoài hành lang khoa phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Việt Đức, chị L.T.T. (quê Nam Định) cho biết, em trai chị bị tai nạn lao động, khiến xương tay phải bị nứt, đã được mổ 1 vị trí và còn 1 vị trí khác vẫn chưa được mổ.
"Theo lịch dự kiến thì hôm nay em tôi sẽ được mổ. Tuy nhiên, đến sáng nay, gia đình tôi nhận được thông báo tạm hoãn và chờ thông tin tiếp theo từ phía bệnh viện. Người nhà tôi đang rất lo lắng, vì mấy hôm nay nghe tin bệnh viện hết vật tư y tế, hạn chế mổ.
Em trai tôi là lao động chính trong gia đình. Nó đang phải nuôi vợ và 2 con nhỏ. Nếu không được mổ sớm thì em sẽ không có khả năng lao động, gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, tôi đang rất mong muốn em trai được mổ và tiếp theo là phía bệnh viện sẽ nhập được vật tư y tế để toàn dân, mọi người bệnh đều được mổ đúng lịch", chị T. nói.
Tại khu vực chờ chụp X-quang của bệnh viện, hàng trăm người bệnh và thân nhân ngồi chờ đợi. Tình trạng lo lắng với nguy cơ phải hoãn mổ khi không thuộc trường hợp cấp cứu là tâm lý chung của nhiều người tại đây.
Năm 2022, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện trên 79.000 ca phẫu thuật. Thế nhưng, việc thiếu vật tư của Bệnh viện Việt Đức trong tháng 3 này có thể sẽ khiến cho việc phẫu thuật bị ảnh hưởng.
"Việc bệnh nhân phải hoãn mổ phiên chỉ vì "thiếu hóa chất, vật tư y tế" trong khi thực tế các loại vật tư y tế này vẫn bán "đầy chợ". Chỉ vì thủ tục, giấy tờ khiến người bệnh phải chịu khổ là chưa hợp lý. Như vậy có khác nào "chết khát trong bể nước". Tôi mong rằng tình trạng này sớm được chấm dứt để những người bệnh không phải đi từ viện nọ qua viện kia tìm nơi chữa trị nữa", anh T. (một người dân tại Hà Nội) cho hay.
* Báo PNVN sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan.
Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và một số bệnh viện Trung ương về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, liên quan trực tiếp đến từng người dân. Các bộ, ngành phải làm hết sức quyết liệt, "trong tình huống cấp cứu thì phải rất kịp thời" bởi tình trạng văn bản còn có nhiều vướng mắc, bất cập.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Y tế là lĩnh vực đặc biệt, vì vậy, Bộ Y tế phải chủ động đề xuất chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt, chủ động tham gia trực trực tiếp vào xây dựng các quy định có liên quan đến lĩnh vực y tế cả các bộ, ngành khác".
Sau cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết: "Đến đầu tháng 3 này, khi các văn bản được ban hành thì những vấn đề bức xúc về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế sẽ được giải quyết".