Mong có thêm chính sách hỗ trợ để giảm thiểu nỗi đau da cam

Linh Trần
27/07/2022 - 12:40
Mong có thêm chính sách hỗ trợ để giảm thiểu nỗi đau da cam

Bà Tháu chăm sóc con

Chúng tôi tới thăm nhà bà Phạm Thị Tháu (SN 1960, thôn Phú Mỹ, xã Tân Lập, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) khi đã quá trưa. Lúc này, bà Tháu đang cho người con út là Lỗ Văn Hòa ăn trưa.
"Chỉ lo sau này mình mất đi..."

Một tay bà phải đỡ đầu, một tay đút từng thìa cơm xay cho con. Thi thoảng, ông Lỗ Tiến Trang (SN 1955) lại chạy vào hỗ trợ, ngửa mặt con ra để vợ đút cơm cho con. Sau gần 1 tiếng, vợ chồng bà Tháu cũng cho con ăn xong. "Cháu bị thiểu năng trí tuệ, liệt tứ chi, không có ý thức. Vì thế, mỗi khi cho ăn, 2 vợ chồng phải hỗ trợ nhau", ông Trang chia sẻ.

Rót chén nước trà mời khách, ông Trang bắt đầu câu chuyện của mình. Ông vẫn nhớ như in những vùng đất mà mình đã đi qua, đã từng tham gia chiến đấu. Năm 1972, ông nhập ngũ. Đơn vị của ông chiến đấu chủ yếu tại chiến trường Tây Nguyên, nơi Mỹ đã từng rải chất độc hóa học. Khi giải phóng Tây Nguyên, đơn vị của ông lại được điều động tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh rồi tham gia chiến đấu tại biên giới Tây Nam, rồi Tây Bắc.

Năm 1979, trên đường ra Bắc, ông được về nhà nghỉ phép ít ngày và lập gia đình với bà Tháu. Sau vài năm, ông giải ngũ về quê, làm ruộng. Theo năm tháng, 4 đứa con lần lượt chào đời nhưng chỉ có 2 đứa bình thường. Người con đầu (SN 1986) và con thứ 4 Lỗ Văn Hòa (SN 1992) sinh ra đã bị liệt tứ chi, thiểu năng trí tuệ. Đến năm 1996, người con đầu mất. Mãi sau này ông mới biết, những chuyến xe, những cung đường ông đã đi qua, chiến đấu là vùng bị rải chất độc da cam/dioxin của quân đội Mỹ và ông đã bị nhiễm chất độc này. Qua năm tháng, chất độc ngấm sâu vào cơ thể, ảnh hưởng đến thế hệ con cái.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - Ảnh 1.

Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Mê Linh (Hà Nội) tặng quà cho gia đình bà Tháu

Nhà ông có 2 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. "Vợ chồng tôi đưa con đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội chạy chữa. Tuy nhiên, lúc đó các bác sĩ cũng chịu, không biết nguyên nhân do đâu. Dành dụm được đồng nào, thậm chí là thế chấp nhà cửa, chúng tôi lo chạy chữa cho con nhưng vô vọng. Vợ chồng tôi đành đưa con về nhà để chăm, được vài năm thì con mất", bà Tháu ứa nước mắt nói. Suốt gần 40 năm qua, bà chưa từng rời con ngày nào. Mỗi lần con ốm đau, vợ chồng bà lại đưa đi bệnh viện cả tháng trời. 

Năm 2009, Hòa ốm nặng, phải đi cấp cứu suốt 2 tháng trời, đã có lúc tưởng không qua được. Thế nhưng, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho con. Vất vả thế nhưng bà không một tiếng kêu ca. Hằng ngày, vợ chồng bà sắp xếp công việc, lo cho con được chu toàn rồi mới đi làm. "Nhiều đêm nằm bên con, nước mắt mình cứ chảy ra, lo sau này mình mất đi, lấy ai mà chăm sóc nó. Để nó ở một mình thì tội lắm", bà Tháu ngân ngấn nước mắt nói.

Mong có thêm chính sách hỗ trợ

Trước hoàn cảnh của gia đình ông Trang-bà Tháu, chính quyền địa phương đã tìm cách hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Mê Linh, cho biết, Hội thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình.

Gia đình bà Tháu là một trong những hoàn cảnh đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Mê Linh giúp đỡ. Ông Ninh cho biết, đến nay, Hội có 1.076 thành viên, trong đó 758 nạn nhân trực tiếp và gián tiếp. Theo ông Ninh, để hỗ trợ hội viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngoài chế độ chính sách của nhà nước, Hội còn vận động các nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Ngoài ra, những năm qua đã có hàng nghìn lượt nạn nhân được hỗ trợ bằng các hình thức xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng xe lăn, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, hỗ trợ nuôi ăn học. Cụ thể, hỗ trợ xây mới 26 căn nhà tình nghĩa, trị giá trên 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 7 căn nhà, với số tiền trên 80 triệu đồng; tặng 195 xe lăn; hỗ trợ nuôi 94 cháu ăn học, mỗi cháu 5,6 triệu đồng/năm…

Ông Ninh mong muốn, thời gian tới, Nhà nước sẽ có thêm chính sách để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Theo đó, Nhà nước cần mở rộng đối tượng trợ cấp vì còn nhiều đối tượng khó khăn nhưng không có chế độ. Ví như người từng sống tại vùng có chất độc; những đối tượng mất giấy tờ gốc, thiếu giấy tờ; thế hệ thứ 3, thứ 4 cũng cần được hưởng trợ cấp Nhà nước; tăng phụ cấp cho người chăm nuôi nạn nhân chất độc da cam...

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm