pnvnonline@phunuvietnam.vn
Số hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc diện nghèo chiếm 60%
Gia đình ông Nguyễn Hữu Dõng, ở xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, có 7 người con bị di chứng chất độc da cam, là một trong 200 hộ gia đình đã từng bước ổn định cuộc sống từ dự án nuôi bò của Quỹ Hòa giải - Hàn gắn vết thương chiến tranh (Mỹ) do Quỹ Bảo trợ nạn nhân da cam hỗ trợ từ năm 2007. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Số nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) thuộc thế hệ thứ 3 khoảng 35.000 người. Qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát... Đa số hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.
CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.
Việc thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin còn nhiều bất cập. Hiện nay đối tượng người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được công nhận để được hưởng chính sách người có công với cách mạng còn khá lớn. Lý do chủ yếu không lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ và bệnh, tật khi giám định không nằm trong danh mục bệnh được quy định của Bộ Y tế. Còn nhiều người hoạt động kháng chiến trong vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học nhưng chưa được giám định, hoàn chỉnh hồ sơ để được hưởng chính sách đối với nạn nhân CĐDC...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập ngày 10/01/2004 với nhiệm vụ vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam . Tính đến tháng 12/2020, Hội đã vận động được gần 2.550 tỷ đồng để hỗ trợ sửa, làm nhà tình nghĩa; trợ cấp học bổng; trợ giúp tìm việc làm; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí; xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng; trợ cấp khó khăn, trợ cấp khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết cho hàng trăm ngàn lượt nạn nhân.
Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam.
Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa".