1 người tử vong sau khi ăn tiết canh dê, chuyên gia cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm

Anh Đào
07/05/2024 - 12:25
1 người tử vong sau khi ăn tiết canh dê, chuyên gia cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm

1 bệnh nhân mắc liên cầu lợn bị hoại tử phải cắt cụt tứ chi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BSCC

Tối 6/5, sau thông tin “ăn tiết canh dê nghi nhiễm liên cầu lợn khiến 1 người tử vong, 18 người phải nhập viện cấp cứu", nhiều người đặt câu hỏi vì sao ăn tiết canh dê lại có thể nhiễm liên cầu lợn?

Vì sao ăn tiết canh dê vẫn có thể mắc liên cầu khuẩn lợn?

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, do vi khuẩn liên cầu lợn chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, dê, chó, mèo và chim, nên khi người dân sử dụng các sản phẩm từ những loài gia vật này mà không đảm bảo khâu vệ sinh cũng như nấu chín thì vẫn có thể mắc liên cầu lợn.

Bên cạnh đó, phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp do đó bệnh cũng có thể lây truyền qua các động vật khác như ruồi, gián, chuột. 

Do vậy, không chỉ do ăn các món tái, sống, bệnh liên cầu lợn còn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh, thịt gia súc khác chưa nấu chín.

Đáng chú ý, nhiều người dù ý thức được nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn khi ăn tiết canh nhưng cho rằng lợn rừng, "lợn sạch" ở quê hay tiết canh nhà làm sẽ không còn đáng ngại. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thiệu, đây là một quan niệm sai lầm.

"Gia súc nuôi sạch không đồng nghĩa với vi khuẩn gây bệnh không tồn tại. Liên cầu khuẩn lợn đôi khi không gây bệnh trên con vật nhưng có thể gây bệnh với người có sức đề kháng kém. Không chỉ vậy, nhiều người quan niệm uống rượu khi ăn tiết canh sẽ tiêu diệt vi khuẩn liên cầu lợn, đây cũng là một quan niệm vô cùng sai lầm. Uống rượu khi ăn tiết canh không những không tiêu diệt được liên cầu khuẩn lợn mà còn gây suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh hơn", bác sĩ Thiệu cho hay.

Một người tử vong sau khi ăn tiết canh dê, chuyên gia cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm- Ảnh 1.
Một người tử vong sau khi ăn tiết canh dê, chuyên gia cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm- Ảnh 2.

Hình ảnh chi bị hoại tử của một bệnh nhân mắc liên cầu lợn.

Người dân cần thực hiện vệ sinh trong ăn uống

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, bệnh do liên cầu lợn là bệnh nhiễm trùng, cần phải sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt, việc điều trị sớm tiên lượng cải thiện tốt hơn rất nhiều so với bệnh nhân điều trị muộn. Đáng tiếc, phần lớn bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn được đưa đến bệnh viện đều đã ở tình trạng nặng. 

"Bệnh do liên cầu lợn thường đi vào sốc rất nhanh. Có những trường hợp mới xuất hiện các triệu chứng từ ngày hôm trước thì ngày hôm sau bệnh nhân đã đi vào sốc nhiễm trùng, tử vong trên đường vận chuyển. Những bệnh nhân đã rơi vào sốc nhiễm trùng rồi thì việc điều trị sẽ tiên lượng rất khó khăn, thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn rất nhiều 2 đến 3 tháng. Những bệnh nhân liên cầu lợn sẽ phải có chỉ định lọc máu, điều trị hồi sức tích cực phải đặt ống thở máy, dùng kháng sinh rất mạnh. Chi phí tốn kém lên đến vài trăm triệu", bác sĩ Thiệu cho biết.

Một người tử vong sau khi ăn tiết canh dê, chuyên gia cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm- Ảnh 3.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Thiệu khuyến cáo, với những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ như ăn tiết canh, chế biến gia súc trực tiếp, hoặc chăn nuôi, làm ngành bán, chế biến sản phẩm của gia súc, đặc biệt là lợn, khi có các biểu sốt, rét run, đau đầu, buồn nôn, nôn, da có ban hồng hoặc thâm đen, cứng gáy, đặc biệt là cứng gáy thì cần phải đi thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.

Để phòng tránh hậu quả đáng tiếc do liên cầu khuẩn lợn gây ra, bác sĩ Thiệu khuyến cáo:

-Người dân nên ăn chín, uống sôi. 

- Tuyệt đối không ăn các món tiết canh, đặc biệt là tiết canh gia súc. 

- Không ăn các món tái. 

- Nên chọn mua thịt gia súc đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt gia súc, đặc biệt là thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. 

- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt gia súc tái hoặc sống. 

- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt. 

- Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín. 

- Khi tham gia nuôi lợn, gia súc, chế biến thịt sống thì phải có đồ bảo hộ như ủng, găng tay.

Thông tin ban đầu từ ngành y tế tỉnh Thái Bình (nơi xảy ra vụ việc) cho biết, đêm 5/5 và sáng 6/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tiếp nhận gần 20 trường hợp đến khám, trong đó một số người có triệu chứng sốt, buồn nôn, đau mỏi vai gáy, rối loạn tiêu hóa, đau bụng sau khi ăn cỗ có món tiết canh dê. Sau đó có 8 bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị, 1 người đã tử vong là ông P.T.T, với chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn/Gout. Những người còn lại được theo dõi tại bệnh viện tỉnh, hiện sức khoẻ ổn định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm