pnvnonline@phunuvietnam.vn
Một phụ nữ tình nguyện hiến phổi cứu phi công người Anh nhiễm COVID-19
Liên quan đến BN 91, chiều tối ngày 13/5, Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19) cho biết, đã có 2 trường hợp đăng ký hiến phổi ghép cho BN 91 người Anh.
Theo đó, trường hợp đầu tiên là một phụ nữ ngoài 40 tuổi. Người hiến đã gửi tin nhắn đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với mong muốn chia sẻ một phần lá phổi của mình để ghép cho BN 91.
Trường hợp thứ hai là một cựu chiến binh hơn 70 tuổi ở tỉnh Đắk Nông. Ông đã gọi tới Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia mong được hiến phổi. "Chính phủ đã rẫt nỗ lực trong thời gian qua, trên tinh thần làm tất cả vì bệnh nhân, để không bỏ lại người nào phía sau. Tôi xin hiến phổi của mình để cứu BN 91", người cựu binh xúc động nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nay có hai nguồn lấy phổi. Đó là lấy một thuỳ phổi, một phần phổi của người cho sống ghép cho người có bệnh; nguồn thứ hai lấy từ người cho chết não ghép cho người có bệnh. Giới chuyên môn ưu tiên lấy nguồn hiến từ người cho chết não.
Cũng theo ông Phúc, để thực hiện ca ghép phổi phải chuẩn bị rất kỹ càng, bởi tỷ lệ thành công sau ghép phổi trên thế giới không bằng ghép gan, ghép tim, ghép thận.
"Với BN 91, ca ghép có được thực hiện hay không, ghép như thế nào… là do hội đồng chuyên môn đánh giá. Tuy nhiên ưu tiên số một vẫn là tìm người chết não hiến tạng, nếu bệnh nhân có chỉ định ghép phổi", ông Phúc nói.
Còn theo báo cáo của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện tại, BN 91 vẫn có tiên lượng xấu. Hiện bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục dẫn lưu màng phổi, lọc máu, tiếp tục thở máy, sử dụng kỹ thuật ECMO. Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn, phổi của bệnh nhân hiện chỉ còn 10% hoạt động. Bệnh nhân chỉ có thể sống nếu được ghép phổi. Tuy nhiên, hiện bệnh nhân hiện chưa đủ điều kiện ghép phổi do tình trạng nhiễm trùng nặng.