1 trường hợp ở Hà Nam tử vong do nắng nóng, chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu sốc nhiệt

Linh Trần
04/06/2021 - 17:00
1 trường hợp ở Hà Nam tử vong do nắng nóng, chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu sốc nhiệt

Một bệnh nhân bị sốc nhiệt đang điều trị tại BV Đa khoa Hà Nam

Trong những ngày nắng nóng, bất kỳ ai cũng có thể bị sốc nhiệt, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Chuyên gia sẽ hướng dẫn cách sơ cứu khi người thân bị sốc nhiệt trước khi chuyển đến cơ sở y tế.

Ngày 4/6, BV Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết, chỉ trong vài ngày nắng nóng vừa qua đã có tới 9 bệnh nhân nhập viện do say nắng, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Theo đó, trường hợp tử vong là bệnh nhân 56 tuổi (trú tại huyện Lý Nhân, Hà Nam), có tiền sử khỏe mạnh. Gia đình cho biết, bệnh nhân đang làm việc ở môi trường nắng nóng ngoài đường thì đột nhiên co giật. Người thân phát hiện đưa vào viện thì đã được xác định tử vong từ trước đó. Bác sĩ đo nhiệt độ cơ thể vẫn lên đến 42,2 độ C.

Tại BV, hiện các bác sĩ cũng đang cấp cứu cho một trường hợp khác nguy kịch do nắng nóng. Đó là bệnh nhân 45 tuổi, bị say nắng, say nóng có biến chứng sốc. Gia đình cho biết, trước đó bệnh nhân làm việc trong nhà lợp mái tôn vào buổi trưa của ngày nắng nóng. Sau khi vào viện cấp cứu và được chuyển lên khoa, bệnh nhân vẫn trong tình trạng ý thức chậm, tứ chi cử động hạn chế, sốt. Ngày 3/6 tình trạng bệnh nhân đã khá hơn. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, phụ trách Trung tâm cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), những ngày qua, các tỉnh miền Bắc nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có thời điểm trên 40 độ C. Do đó, những người làm việc ngoài trời rất dễ bị sốc nhiệt, say nắng.

1 trường hợp ở Hà Nam tử vong do nắng nóng, chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu sốc nhiệt - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, phụ trách Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai (Hà Nội)

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai. Bệnh nhân bị sốc nhiệt thường có biểu hiện vã mồ hôi, nhiệt độ tăng dần, ngất xỉu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt và choáng váng, da đỏ, nóng và khô, buồn nôn, nhịp tim nhanh. Trường hợp nặng sẽ mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê.

Bác sĩ Chi cho biết, khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng, người dân cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng; đưa bệnh nhân vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân. Nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Để hạn chế nguy cơ sốc nhiệt, say nắng trong những ngày hè, khi làm việc ngoài trời, người dân cần mặc quần áo bảo hộ lao động, áo chống nắng, có che chắn; thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể.

Người dân nên hạn chế ra đường, nhất là thời điểm từ 11h đến 15h. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng. Đồng thời, bổ sung nước thường xuyên với mức từ 2,5-3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm