pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mua biệt thự nghỉ dưỡng, "bỏ phố về rừng": Nên đi xem đất vào ngày nắng nóng nhất
Sở hữu khu đất, biệt thự nghỉ dưỡng là ước mơ của nhiều người. Ảnh minh họa
Mua biệt thự nghỉ dưỡng nhưng nóng quá không ở nổi
"Vợ chồng tôi mua biệt thự nghỉ dưỡng với mong muốn là mùa hè thì đi trốn nắng nóng, ở thành phố ngột ngạt quá. Tôi cũng muốn con mình có những trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên thay vì cứ ở lỳ trong phòng bật điều hòa rồi cắm mặt vào điện thoại. Tin lời một môi giới rằng Lương Sơn nhiệt độ mát lắm, nghỉ dưỡng thì tuyệt vời, lái xe từ trung tâm Hà Nội lên đây cũng gần, vợ chồng tôi đi xem rồi chốt mua luôn một biệt thự trong một khu nghỉ dưỡng sinh thái. Đi xem đất vào sau Tết những ngày còn lạnh rồi chốt mua, đến những ngày hè nắng nóng thì lên ở, rồi thì vỡ mộng luôn", chị Ngọc Hoa - chủ một biệt thự nghỉ dưỡng 3 phòng ngủ tại Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết.
Giống như chị Hoa, rất nhiều chị em đã mua đất, mua biệt thự nghỉ dưỡng, đi theo phong trào "bỏ phố về rừng". Xu hướng đầu tư này chia làm 2 kiểu, một là mua một khu đất ở ven các khu vực gần đồi rừng rồi tự xây nhà nghỉ dưỡng hoặc mua một biệt thự nghỉ dưỡng đã được xây sẵn bên trong một dự án.
Với kiểu thứ nhất, chủ của khu đất có thể tự xây dựng theo ý thích, tự vận hành kinh doanh khi làm homestay cho thuê. Những người khác chọn kiểu thứ 2, các biệt thự nghỉ dưỡng bên trong 1 dự án thì có thể hợp tác với chủ đầu tư để vận hành. Bên cạnh "bỏ phố về biển" thì "bỏ phố về rừng", sống trong lành, chữa lành, gần thiên nhiên cũng trở thành "trend" trong những năm gần đây. Các hội nhóm, các trang mua bán bất động sản nghỉ dưỡng, các môi giới chuyên đất nghỉ dưỡng, đất trang trại đồi rừng hoạt động xôm tụ.
"Đừng vội tin lời quảng cáo, đừng vội nghe lời môi giới" là bài học luôn chính xác cho mọi loại hình bất động sản. Môi giới dẫn vợ chồng chị Hoa và rất nhiều khách hàng khác đi xem căn biệt thự nghỉ dưỡng luôn vào ngày nhiệt độ thấp, mát trời. Khu dự án mấy chục căn biệt thự nghỉ dưỡng nằm chơ vơ trên những quả đồi. Trong quá trình làm đường, san nền xây biệt thự, chủ đầu tư chặt đi hầu hết cây to trên những quả đồi này. Các biệt thự được xây dựng bằng bê tông ghép tấm, rồi sau đó trồng hoa cỏ xung quanh. Do cây lớn bị chặt bỏ, đất đồi vô cùng nóng trong những ngày hè nhiệt độ cao. Bốn phía xung quanh nhà đều ánh nắng rọi thẳng, bê tông hấp thụ nguồn nhiệt lớn, cộng thêm cái nóng từ đất hắt lên. Chị Hoa cho lắp 4 điều hòa cỡ lớn quanh nhà, chạy hết công suất cả ngày nhưng không thể đỡ nóng, phòng ngủ áp mái căn biệt thự không thể ngủ nổi.
"Cả nhà lên ở được vài ngày là lũ trẻ kêu nóng quá, đi trốn nóng mà nóng hơn cả ở nhà. Mời một gia đình người bạn lên chơi, nghỉ dưỡng, đến hôm sau họ tạm biệt về luôn. Quanh nhà nước từ điều hòa chảy tong tỏng cả ngày, biệt thự bên cạnh cũng vậy, nước điều hòa từ biệt thự bên cạnh còn chảy tràn sang bãi cỏ nhà mình, tôi chán nản quá muốn rao bán. Bây giờ ai hỏi kinh nghiệm mua biệt thự nghỉ dưỡng là tôi cứ khuyên phải đến khảo sát đúng vào ngày nắng nóng nhất xem có ổn không đã", chị Hoa chia sẻ.
Quản lý bất động sản nghỉ dưỡng không hề đơn giản
Cuộc sống với những mảnh vườn rộng, hàng ngày ăn rau quả vườn nhà, gần gũi hòa mình vào thiên nhiên luôn hấp dẫn chị em. Những mảnh đất kiểu vừa có nhà thổ cư vừa có đất vườn tại Hòa Lạc, Sóc Sơn, Ba Vì (Hà Nội) cho đến các khu vực Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ vẫn liên tục được rao bán, mua đi bán lại kể từ thời gian dịch bệnh cho đến nay. Vừa có nhà ở trung tâm thành phố, vừa có biệt thự nghỉ dưỡng là mong muốn của nhiều người, hoặc lựa chọn cách chuyển hẳn về sống theo kiểu "bỏ phố về rừng".
"Có một lần, con tôi đau bụng giữa đêm, nghi là viêm ruột thừa cấp. Hai vợ chồng tôi hoảng loạn. Khu này heo hút, lấy đâu ra bác sĩ, trạm xá gần nhất buổi đêm không có người, chẳng lẽ lái xe thẳng về thành phố", sau vụ này, chị Hải Yến có ý định bán luôn căn biệt thự nghỉ dưỡng chồng chị đã mua tặng vợ, bỏ luôn cả vườn hồng rất đẹp. Chị Yến vẫn mơ về một vườn đầy hoa hồng. Chồng chị sau khi mua khu đất 2.000m đã thuê người xây nhà sàn, bỏ rất nhiều tiền mua những gốc hồng cổ đắt giá về trồng thành cả vườn. Sau một thời gian, được vài quả mướp, bó rau ăn, tốn quá nhiều công sức và thời gian chăm bón, anh cũng nản luôn. "Đời không như là mơ, bỏ phố về rừng, làm nông dân đích thực là rất vất vả, phải có đủ sức khỏe", chị Yến kết luận.
Gần nhà chị Yến, một chủ khu biệt thự nghỉ dưỡng đã phải thuê hai người dân địa phương làm người quản gia, trông coi nhà, chăm sóc vườn. Trong một đêm mưa gió, đúng hôm người làm nghỉ vì nhà có việc, hai chiếc tivi, lò vi sóng, thiết bị bếp, một số đồ dùng đã bị trộm đột nhập bê đi, camera an ninh hỏng không hoạt động. Duy trì hoạt động, quản lý, bảo dưỡng một căn biệt thự nghỉ dưỡng không hề đơn giản, đường xá, hạ tầng, an ninh ở khu vực dân cư đó như thế nào cũng là điều phải hết sức lưu ý, luôn cần tìm hiểu, xem xét thật kĩ khi mua đất nghỉ dưỡng là điều nhiều chủ nhà rút ra.
Yếu tố pháp lý cũng là điều phải lưu ý kĩ hàng đầu. Nhiều khu đất trang trại, đất nghỉ dưỡng được rao bán nằm trong đất rừng phòng hộ, việc mua bán kiểu giấy viết tay, việc xây dựng công trình kiên cố trên đất là trái phép. Thời gian gần đây, xu hướng rộ lên là mua đất, xây nhà để tu thiền, xu hướng "retreat" - trốn chạy khỏi áp lực cuộc sống. Việc sống xanh, tu tập, hướng đến những bình yên trong tâm hồn là điều tích cực, tuy nhiên trên một số diễn đàn đã xuất hiện những cá nhân kêu gọi góp tiền lập làng, xây nhà với rất nhiều sự mập mờ, không rõ ràng về pháp lý, mang tính chất "lùa gà".
Mỗi người có một mong muốn của riêng mình, có khoản tài chính nhất định và biết điều gì là cần thiết, phù hợp với mình, luôn kĩ lưỡng, cẩn trọng là điều nhiều nữ nhà đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng đã đúc rút và muốn chia sẻ.