pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bất động sản cho người âm" - Bài cuối: Lưu ý tính pháp lý khi mua bán đất mộ
Việc mua bán đất nông nghiệp nhưng với mục đích để xây mộ không theo quy hoạch là trái quy định. Ảnh minh họa
Đổ ào lên làng cổ mua đất mộ vì tin có long mạch
Xứ Đoài mây trắng vốn là vùng đất với nhiều huyền tích, vùng đất thấm đẫm những giá trị văn hóa tâm linh cổ truyền từ nghìn đời nay. Xứ Đoài là vùng đất gắn liền với câu chuyện của Đức Tản Viên – Sơn Tinh, vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử theo quan niệm người Việt. Làng cổ Đường Lâm là "đất hai vua", quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền. Ngôi làng cổ đá ong đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.
Cách đây nhiều năm, bỗng đâu rộ lên thông tin về việc ở làng cổ Đường Lâm có "long mạch" tốt, đặt mộ sẽ kết phát. Thế đất nơi đây có "tả thanh long, hữu bạch hổ, gối sơn đạp thủy" (bên phải, bên trái có nhiều đồi núi, gò đống, tựa vào non thiêng Ba Vì và nhìn ra sông Hồng)...
Thông tin rộ lên và người từ nhiều nơi đổ dồn về đây với mục đích mua đất xây mộ.
Người ở Đường Lâm có câu "sống giữa làng, chết Gò Cang, Ánh Độ". Người dân khi sống, muốn sống ở giữa làng, quây quần trong tình làng nghĩa xóm gắn kết. Khi mất, được chôn ở Gò Cang, sau đó cải táng ở gò Áng Độ. Những ngôi mộ cũng được xây bằng đá ong, thứ đá mang đặc trưng xứ Đoài.
Khi làng lên cơn sốt đất mộ, người ở đâu về mua những mảnh ruộng, mua đất nông nghiệp ở khu vực Gò Cang, rồi xây mộ lớn bằng gạch đá ong, chuyển mộ về ở đó. Những mảnh ruộng được bán với giá trăm triệu đồng cho 100m2, thậm chí lúc đỉnh điểm có giá vài chục triệu đồng cho 1m2. Khu mộ của dân làng cổ bao năm bỗng trở nên hỗn loạn.
Theo các cụ cao niên trong làng, việc này đã dẫn đến nhiều điều kỳ lạ. Cây đa cổ thụ trong làng bao năm xanh tươi bỗng dưng có dấu hiệu chết, phải mất rất nhiều công sức mới cứu được. Con em ở làng cổ vốn có tiếng học giỏi, bỗng năm đó tỉ lệ đỗ đạt kém hẳn. Việc bán đất để làm mộ, có những ngôi mộ của người nơi khác giữa làng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ngôi làng cổ vốn bao năm thanh bình. Người dân leen tiếng, chính quyền sau đó phải can thiệp, cấm mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp, việc tùy tiện bán đất nông nghiệp để xây mộ mới tạm đi qua.
Đến thời điểm hiện tại, khi hỏi một cò đất vốn hay dắt mối mua bán đất ở địa phương, người này khẳng định "vẫn có thể mua được đất mộ, đúng khu vực Gò Cang luôn". Theo lời người này, giá bán đưa ra là 1,5 triệu đồng/1m2, cả mảnh 100m2 là 150 triệu đồng, "giấy tờ viết tay".
Không chỉ ở làng Đường Lâm, việc đưa khách đi tìm, mua bán đất mộ nằm ngoài những khu đất được quy hoạch làm nghĩa trang vẫn xảy ra ở không ít nơi. Chính quyền nhiều địa phương đã phải nhiều lần cảnh báo người dân về việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trái phép. Theo vị cán bộ một xã tại huyện Ba Vì cho biết, đây là vấn đề rất nhạy cảm, rất khó quản lý. Một mảnh đất được mua bán theo kiểu viết tay, nhiều năm sau họ tiến hành xây mộ, chỉ có thể vận động người dân trên tinh thần tự giác.
Thực tế, đất mộ vẫn là một thị trường ngách, việc mua bán dù không chính thức vẫn diễn ra tại rất nhiều địa phương.
Mua bán đất mộ - cảnh báo về tính pháp lý
Luật sư Ngô Thế Hiệp (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: "Việc xây dựng nghĩa trang, mồ mả phải tuân thủ theo các quy định trong Điều 162 Luật đất đai 2013 và Nghị định 23/2016/NĐ-CP về nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Điều 4 của Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định diện tích đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần không được vượt quá 5 m2, diện tích đất cho mỗi phần một cát táng không được phép vượt quá 3 m2. Khi mua bán đất và tiến hành xây dựng công trình mồ mả, người mua cần phải chú ý đến các quy định về diện tích này.
Về việc mua bán đất đai để xây mộ, người mua phải tuân thủ theo các quy định của luật Đất đai, tuân thủ các quy định về mục đích sử dụng đất, không thể tự ý, tùy tiện mua đất và tiến hành xây dựng mồ mả".
Với các hợp đồng góp vốn đầu tư, nhà đầu tư cần xem xét kĩ hợp đồng, có sự tư vấn pháp lý, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật thì hợp đồng mới đảm bảo tính pháp lý.
Theo luật sư Hiệp, đây là lĩnh vực có sự nhạy cảm cao, chúng ta cần quan tâm tới lĩnh vực này hơn nữa, có thêm những quy định pháp luật cụ thể để phát triển những mô hình nghĩa trang thân thiện môi trường, cảnh quan tốt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đất đai mà vẫn bảo đảm ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống người dân.
Nhìn nhận dưới góc độ khoa học, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Thành chia sẻ: Thực ra, phong thủy là khoa học, là những kinh nghiệm trong cuộc sống khi tiến hành các công trình xây dựng trong đó có xây mộ. Phong thủy là những điều rất gần gũi, thiết thực, không phải cái gì đó cao siêu, thần thánh, chẳng hạn xây nhà thì nên chú ý đến hướng nắng, hướng gió, gần gũi, hài hòa với thiên nhiên; xây mộ thì cần nơi có nền đất tốt, ổn định, nơi yên bình, tĩnh lặng, có cây cối xung quanh. Khi xây, cần bố trí các hạng mục chính sao cho hài hòa, cân đối theo diện tích để vừa đảm bảo thẩm mỹ, không cứ phải là xây thật to, trang trí cầu kỳ đã là đẹp. Khi bố trí các ngôi mộ trong khuôn viên mộ gia đình, thì chú ý điếm nhấn trung tâm chính là nơi thờ, nơi đặt bát hương tổ tiên, đặt ở chính giữa và cao nhất. Các ngôi mộ sắp xếp theo thứ tự, vai vế trong gia đình, nếu là phần mộ ông bà, vợ chồng nằm cạnh nhau thì bố trí theo quy luật "nam tả, nữ hữu" tức nam nằm bên trái, nữ ở bên phải. Đây đều là những kinh nghiệm lâu đời được truyền lại, có cơ sở và dễ áp dụng, thể hiện nét đẹp trong văn hóa thờ cúng tổ tiên, hướng về nguồn cội của người Việt. Con cháu nhớ về tổ tiên nguồn cội, phấn đấu học hành, tu dưỡng để vun đắp truyền thống gia đình. Việc hiểu nhầm, hiểu sai, lạm dụng lệch lạc phong thủy sẽ không mang lại tác dụng gì.