pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mùa xuân ăn rau hẹ bổ sung "dương khí", nhưng nhóm người này cần tránh xa

Cây rau hẹ còn có tên gọi khác là cửu thái, nén tàu, hom xe lép (Thái), phắc kép (Tày). Tên khoa học của cây hẹ là Allium odorum L., thuộc họ hành Liliaceae. Cây rau hẹ là cây thảo có thân hành, nhóm thành túm, hình nón gần như dạng trụ. Thân mọc đứng hình trụ hoặc có góc ở ngọn, mang lá ở gốc, cao 15-30cm. Lá hẹp, dài, dày, phiến lá dài 10-25cm, rộng 1,5-8mm, đầu nhọn.
Cây rau hẹ rất phổ biến ở Việt Nam, được sử dụng làm nguyên liệu với nhiều món ăn, chẳng hạn như rau hẹ xào thịt, rau hẹ rán trứng, thêm rau hẹ vào mì vằn thắn, làm nhân bánh mặn,...
1. Ăn rau hẹ có tốt không?
Theo Medical News Today, ăn rau hẹ có thể đem đến một số công dụng tốt cho sức khỏe bao gồm:
- Ít calo và giàu dinh dưỡng: 1 thìa canh rau hẹ cắt nhỏ cung cấp khoảng 0,9 calo; 6,38 microgam (mcg) vitamin K, tương đương 5% nhu cầu vitamin K khuyến nghị hàng ngày (DV - daily value); 1,74 mg vitamin C (2% DV); 3,15mcg folate (1% DV); 6,43 mcg vitamin A (1% DV); 2,76mg canxi (ít hơn 1% DV); 8,88mg kali; 0,1 mg mangan (1% DV). Cùng nhiều chất chống oxy hóa khác như lutein, zeaxanthin.

Rau hẹ giàu dinh dưỡng. Ảnh: ST
- Cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ: Hẹ chứa một lượng nhỏ choline. Choline tham gia vào quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, cấu trúc tế bào, quá trình trao đổi chất và nhiều chức năng khác. Ăn các thực phẩm chứa choline đã được chứng minh là giúp cải thiện tâm trạng, trí nhớ và chất lượng giấc ngủ.
- Hẹ chứa vitamin K: Vitamin K rất quan trọng đối với sức khỏe của xương bao gồm cải thiện mật độ khoáng chất của xương và giảm nguy cơ gãy xương và tốt cho quá trình đông máu. Ngoài lá hẹ, các thực phẩm giàu vitamin K khác nên bổ sung vào chế độ ăn có thể kể đến như rau lá xanh, trái cây như việt quất, quả sung.
- Tác dụng kháng khuẩn: Một nghiên cứu được công bố trên Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine đã cho thấy các hợp chất organosulfur, quercetin, flavonoid, saponin trong hẹ có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và virus cũng như phòng ngừa bệnh mãn tính nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
- Cải thiện tiêu hóa: Lá hẹ là một trong những thực phẩm chứa lượng chất xơ cao. Ăn rau hẹ có khả năng kích thích nhu động ruột, trơn tru đường tiêu hóa, làm ẩm ruột, nhuận tràng,…

Rau hẹ chứa các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm (Ảnh: ST)
Xét trên góc độ Y học cổ truyền, từ lâu rau hẹ đã được thêm vào trong các bài thuốc ngừa cảm cúm, cảm lạnh hay giảm ho đau họng từ rau hẹ. Chẳng hạn như uống nước lá hẹ tươi, lá hẹ tươi chưng đường phèn, ăn cháo lá hẹ giảm đau rát họng, lá hẹ tươi hấp gừng...
- Cải thiện thị lực: Hẹ chứa hai hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa là lutein và zeaxanthin. Đây là hai carotenoid có lợi trong việc ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng cho tuổi tác và nâng cao sức khỏe mắt.
- Cải thiện trí nhớ: Theo WebMD, rau hẹ chứa cả choline và folate. Nếu xét độc lập thì mỗi thành phần này đều có liên quan đến việc cải thiện trí nhớ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người trưởng thành ăn nhiều thực phẩm có choline cho kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, trong khi những người có mức choline thấp dường như có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.
Trong khi đó, folate hoặc axit folic đã được nghiên cứu có liên quan đến cả rối loạn nhận thức và rối loạn tâm trạng. Sự kết hợp của choline và folate trong hẹ có thể giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa sự phát triển của các tình trạng như chứng mất trí và bệnh Alzheimer.

Có một số người không nên ăn rau hẹ. Ảnh: ST
2. Ai không nên ăn rau hẹ?
Mặc dù tốt nhưng không phải ai cũng nên ăn rau hẹ. Theo Aboluowang, nếu thuộc 3 nhóm dưới đây, bạn nên tránh ăn hẹ hoặc ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh khiến tình trạng bệnh nặng hơn:
- Người có thể âm hư, nội nhiệt: Vì lá hẹ có tính ấm nên nếu người dễ bốc hỏa, hay bị mụn nhọt thì nên tránh ăn. Nếu ăn có thể tăng nặng các triệu chứng như khô miệng, nổi mụn, mệt mỏi.
- Người đang bị tiêu chảy: Rau hẹ giàu chất xơ nên khi ăn, rau hẹ cần nhiều axit dạ dày để tiêu hóa hơn. Nếu đang bị tiêu chảy, ăn rau hẹ sẽ khiến dạ dày và ruột tăng gánh nặng, ảnh hưởng tới việc phục hồi. Ngược lại, nếu như đang bị táo bón, bạn có thể thêm rau hẹ vào chế độ ăn sẽ giúp tăng lưu động ruột và giảm táo bón hiệu quả.

Mặc dù tốt nhưng không phải ai cũng nên ăn rau hẹ (Ảnh: ST)
- Người mắc bệnh tiêu hóa: Nếu đang có bất kỳ bệnh lý nào về đường tiêu hóa như loét dạ dày, trào ngược dạ dày thì nên hạn chế ăn rau hẹ do sau khi ăn, rau hẹ sẽ kích thích độ nhớt của dạ dày, khiến dạ dày tiết ra nhiều axit dịch vị hơn, không có lợi cho quá trình phục hồi của dạ dày. Điều này đặc biệt đúng đối với một số người trung niên và người cao tuổi, những người có tốc độ trao đổi chất chậm và khả năng phục hồi cũng chậm.
Ngoài 3 nhóm người trên, người có tiền sử dị ứng với các loại rau họ hành như hành lá, hành tây cũng nên thận trọng khi ăn rau hẹ. Nếu như sau ăn phát triển các triệu chứng dị ứng như phát ban, nổi mề đay, sưng phù môi hay họng thì nên ngừng ăn, nhanh chóng thăm khám bác sĩ, nhất là khi có cảm giác khó thở, chóng mặt.
Rau hẹ kỵ với gì? Người xưa khuyên không dùng loại rau này ăn cùng với sữa, mật ong, hành tây, rượu trắng và thịt bò. Bạn cũng không nên ăn rau hẹ để qua đêm do lượng nitrit có thể tăng cao, sinh bệnh.
Tóm lại, rau hẹ tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều, mặc dù không có khuyến nghị về lượng rau hẹ ăn bao nhiêu mỗi ngày là đủ nhưng nhìn chung, không nên ăn quá 100 gam rau hẹ một ngày.