pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rối loạn giấc ngủ - dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm

Rối loạn giấc ngủ ngày càng tăng ở người trẻ
Trẻ hóa tình trạng mất ngủ
Mới 25 tuổi nhưng Hoàng Thu Huyền (TPHCM) đang phải điều trị rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện quận Bình Thạnh. Huyền cho biết: "Do đặc thù công việc phải làm việc muộn, cùng với thói quen lướt điện thoại trước khi ngủ nên mình thường đi ngủ lúc 12h - 1h sáng.
Khoảng 3 tháng trở lại đây mình gặp tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ ít. Mình thường nằm trằn trọc đến 2-3 tiếng mới có thể ngủ được, thậm chí có hôm không thể ngủ được. Ngày hôm sau đầu óc lơ mơ, không thể tập trung vào công việc.
Lúc đầu mình chủ quan, nghĩ rằng nó chỉ diễn ra vài ngày nhưng tình trạng mất ngủ kéo dài khiến mình cảm thấy vô cùng mệt mỏi, làm việc không hiệu quả nên phải đi khám và điều trị".
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện quận Bình Thạnh (TPHCM), ngày càng có nhiều người bị rối loạn giấc ngủ. Chỉ riêng tháng 1/2025, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã tiếp nhận hơn 1.500 lượt khám liên quan đến các bệnh lý giấc ngủ, bao gồm cả người già, sinh viên, học sinh phổ thông.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Trường Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, có hơn 50% sinh viên bị mất ngủ, 70% sinh viên ngủ ít hơn 7 tiếng/ngày. Tại Việt Nam, khoảng 30% người trưởng thành gặp các vấn đề về giấc ngủ.
"Rối loạn giấc ngủ trước đây chủ yếu xảy ra ở nhóm người lớn tuổi hay có bệnh lý nền, nay trở thành căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở nhóm người trẻ và trung niên. Bộ Y tế ghi nhận tỷ lệ người bị rối loạn giấc ngủ tăng đáng kể những năm qua, ước tính khoảng 20% trẻ em, 15%-20% thanh thiếu niên, 30% người trưởng thành và 30%-40% người già đang gặp tình trạng này", bác sĩ Hà thông tin.
Khi có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, bạn nên đến gặp bác sĩ, chuyên gia tư vấn về giấc ngủ để được chẩn đoán tình trạng, có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Không tự ý mua thuốc điều trị, có thể gây lệ thuộc thuốc và biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp, bệnh nhân không cần dùng thuốc, chỉ cần điều chỉnh thói quen, sắp xếp lại cuộc sống đã có thể cải thiện tình trạng này. Đôi khi, rối loạn giấc ngủ xuất phát từ một số bệnh lý khác, cần tầm soát, điều trị nguyên nhân gốc rễ mới giải quyết được bệnh”.
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư
Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Châu Tuệ (khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy), giấc ngủ bị tác động bởi nhiều yếu tố, gồm: Di truyền, tuổi cao, người mắc bệnh nội khoa, việc sử dụng một số thuốc điều trị và đặc biệt là yếu tố lối sống. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của rối loạn giấc ngủ hiện nay là sự lạm dụng thiết bị di động.
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình của điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay đã được chứng minh là làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, gây khó ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam chỉ ra rằng, 68% người trưởng thành thừa nhận thường xuyên sử dụng điện thoại trong vòng 1 giờ trước khi đi ngủ. Con số này ở nhóm thanh thiếu niên lên đến 85%.
Bên cạnh đó, tình trạng stress và căng thẳng kéo dài làm gia tăng cortisol trong cơ thể, một hormone được biết đến là yếu tố gây gián đoạn giấc ngủ. Người hay thức khuya, sử dụng chất kích thích, rượu bia cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ.
Ngăn chặn "kẻ thù thầm lặng"
TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư, Trưởng đơn vị Y học giấc ngủ, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: "Giấc ngủ sâu, ngủ ngon có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Hiện nay, rối loạn giấc ngủ diễn ra phổ biến nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị xem nhẹ.
Đặc biệt là giới trẻ đang rất chủ quan với sức khỏe khi thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giờ, đúng giờ". Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể làm gia tăng tần suất bệnh ung thư, dạ dày, hen, thận, gan, cơ xương khớp, bệnh lý liên quan hệ miễn dịch...
Nhóm người trẻ tuổi mắc rối loạn giấc ngủ có nguy cơ cao hơn về thiếu tập trung và dễ mắc các rối loạn tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm. Ngủ ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày cũng làm gia tăng tần suất đột quỵ, nhất là xuất huyết não.
Về các biện pháp cải thiện giấc ngủ, bác sĩ Phương Thư cho hay, mọi người nên thiết lập thói quen đi ngủ đúng giờ, đúng giấc; vận động nhẹ bằng cách thiền, yoga và nghe nhạc nhẹ trước khi ngủ;
đảm bảo phòng ngủ đủ tối, yên lặng; không sử dụng các chất kích thích và thức ăn khó tiêu trước khi ngủ. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Nên dừng mọi hoạt động với màn hình ít nhất 30 phút trước giờ đi ngủ.