Tác dụng ngạc nhiên khi uống trà ô long đối với sức khỏe tim mạch và não bộ

Châu Anh
22/04/2025 - 10:12
Tác dụng ngạc nhiên khi uống trà ô long đối với sức khỏe tim mạch và não bộ
Uống trà ô long (oolong tea) giàu chất chống oxy hóa, có thể có lợi cho nhiều khía cạnh sức khỏe.

Trước khi tìm hiểu uống trà ô long có tác dụng gì thì chúng ta cần biết trà ô long là trà gì. Theo Health, cùng với trà đen và trà xanh thì trà ô long cũng là một trong ba loại trà chính cơ bản. Giống như trà đen và trà xanh, trà ô long cũng được làm từ lá của cây Camellia sinensis. Điểm khác biệt giữa ba loại trà đen, trà xanh và trà ô long là quy trình chế biến lá trà và mức độ oxy hóa lá trà.

Trà ô long bị oxy hóa một phần, nhiều hơn trà xanh nhưng ít hơn trà đen. Đây cũng chính là lý do tại sao trà đen thường có màu sẫm hơn với hương vị đậm đà hơn. Có nhiều loại trà ô long khác nhau, mỗi loại trà ô long lại có màu sắc và hương vị khác nhau. Thời gian oxy hóa lá trà càng dài thì hương vị trà càng đậm.

1. Giá trị dinh dưỡng trong trà ô long

Giống như trà đen và trà xanh thì trà ô long cũng chứa caffeine, lượng caffein trong khoảng 227 ml trà xanh và trà ô long tương đương nhau, cỡ 10 - 60 mg; lượng caffeine này thấp hơn hẳn so với caffeine trong cùng một cốc cà phê là 70 - 130 mg.

Ngoài caffein, trà ô long cũng chứa các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa - chính những thành phần này mang lại tác dụng của trà ô long đối với sức khỏe khi uống với lượng vừa đủ.

Tác dụng ngạc nhiên khi uống trà ô long đối với sức khỏe tim mạch và não bộ- Ảnh 1.

Giống như trà đen và trà xanh thì trà ô long cũng chứa caffeine (Ảnh: ST)

Theo Healthline, một tách trà ô long có chứa lượng nhỏ canxi, magie, phốt pho và kali cùng một số chất chống oxy hóa chính là theaflavin, thearubigin và EGCG cùng L-theanine, đây là một loại axit amin đã được chứng minh là có tác dụng tích cực tới tâm trạng và hiệu suất não bộ.

2. Uống trà ô long có tốt không?

Theo Health, dưới đây là một số lợi ích khi uống trà ô long mà bạn có thể tham khảo:

- Có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Polyphenol trong trà ô long kích hoạt một loại enzyme phân hủy triglyceride. Triglyceride một loại chất béo trong máu có thể góp phần khiến thành động mạch "dày lên", tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm lưu lượng máu từ đó liên quan tới các biến cố tim mạch nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...

Trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc uống trà ô long trong 21 năm hoặc lâu hơn có liên quan đến việc giảm lần lượt 3,22%; 6,69% và 11,99% lượng cholesterol toàn phần, cholesterol LDL và triglyceride trong máu. Điều này được giải thích là nhờ hợp chất catechin có trong trà ô long có thể giúp giảm lượng lipid trong máu bằng cách ức chế hoạt động của một loại enzyme gọi là lipase, giúp giảm sự hấp thụ chất béo ở ruột.

Uống trà ô long cũng giúp hạ huyết áp thông qua cơ thể giãn cơ trơn, giảm yếu tố viêm trong mạch máu, ức chế hoạt động của enzyme renin và tăng sản xuất phân tử nitric oxide giúp giãn mạch máu, tăng lưu lượng máu tới các cơ quan trong cơ thể.

Một nghiên cứu năm 2023 bao gồm 76.673 người trưởng thành ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 30 đến 79 cho thấy những người uống trà, bao gồm trà đen, trà xanh và trà ô long, có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao thấp hơn 10%. Một nghiên cứu cũ hơn từ năm 2004 bao gồm 1.507 người trưởng thành ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng những người tham gia uống ít nhất nửa cốc trà xanh hoặc trà ô long có độ đặc vừa phải trong một năm có khả năng mắc bệnh huyết áp cao thấp hơn 46% so với những người không uống trà. Đối với những người uống hai cốc rưỡi trà mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao đã giảm 65%, điều này cho thấy rằng uống trà ô long thường xuyên có thể là một cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Tác dụng ngạc nhiên khi uống trà ô long đối với sức khỏe tim mạch và não bộ- Ảnh 2.

Trà ô long là nguồn tuyệt vời của các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm (Ảnh: ST)

- Đặc tính chống oxy hóa

Trà ô long là nguồn tuyệt vời của các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của stress oxy hóa, chẳng hạn như các polyphenol như theaflavin, thearubigin, epigallocatechin (EGC) và epigallocatechin gallate (EGCG). Trà ô long cũng giàu polysaccharides trà (TPS), đây là loại carbohydrate đã được chứng minh là có hoạt tính chống oxy hóa mạnh.

Từ lâu việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống giàu chất chống oxy hóa đã được chứng minh là giúp chống lại một số tình trạng sức khỏe do stress oxy hóa gây ra.

- Uống trà ô long có chống ung thư không?

Một nghiên cứu năm 2022 trên 1.773 người trưởng thành ở Trung Quốc, bao gồm 744 người mới được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (OSCC). Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người uống trà ô long có nguy cơ mắc OSCC thấp hơn 31% so với những người không uống trà ô long. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người uống hơn hai tách trà ô long có nguy cơ mắc OSCC giảm 41%. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong nghiên cứu này, uống trà ô long cũng giúp bảo vệ chống lại ung thư buồng trứng và ung thư vòm họng.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này còn hạn chế, chưa đủ sâu rộng nên về tác dụng uống trà ô long chống ung thư vẫn chưa được kết luận. Tuy nhiên, bất luận việc uống trà ô long có chống ung thư hay không thì việc uống trà vẫn là thói quen lành mạnh được khuyến khích.

- Cải thiện sức khỏe nhận thức

Một nghiên cứu năm 2021 phân tích dữ liệu trên 13.115 người lớn tuổi ở Trung Quốc cho thấy những người cao tuổi uống trà, bao gồm cả trà ô long, có khả năng biểu hiện các triệu chứng trầm cảm thấp hơn tới 13%. Các polyphenol có trong trà ô long, chẳng hạn như EGCG, có thể giúp bảo vệ chống lại chứng trầm cảm bằng cách tác động lên một số con đường nhất định trong não, chẳng hạn như trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA), hệ thống phản ứng căng thẳng chính của cơ thể, giảm viêm và tổn thương tế bào thần kinh trong não.

Những đặc tính chống viêm và bảo vệ thần kinh này cũng có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.

- Cải thiện tâm trạng, thư giãn

Ngoài caffeine giúp giải phóng dopamine và norepinephrine, từ đó giúp cải thiện tâm trạng, sự chú ý và các chức năng não thì trà ô long còn chứa L-theanine có tác dụng thư giãn cơ thể và tâm trí. Uống một tách trà ô long khi lo lắng, stress có thể giúp giảm tình trạng này đồng thời tăng khả năng tập trung, cải thiện hiệu suất làm việc.

- Uống trà ô long có giảm cân không?

Theo WebMD, nghiên cứu cho thấy trà ô long có thể làm giảm mỡ cơ thể và tăng cường trao đổi chất, giảm nguy cơ béo phì và hỗ trợ giảm cân. Điều này được giải thích là nhờ thành phần trong trà ô long giúp kích thích đốt cháy chất béo và tăng lượng calo mà cơ thể bạn đốt cháy lên đến 3,4%.

- Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường

Một vài nghiên cứu cho thấy hàm lượng polyphenol trong trà ô long có tác dụng giúp giảm lượng đường trong máu, giảm tình trạng kháng insulin - đây là một tình trạng mà cơ thể không sử dụng đúng lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu cao và tình trạng kháng insulin đều là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường và các tình trạng sức khỏe khác như béo phì.

- Ngăn ngừa sâu răng

Lá trà tự nhiên có chứa fluoride, uống trà chẳng hạn như trà ô long có thể ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Tuy vậy cần lưu ý rằng, uống quá nhiều trà có thể gây dư thừa fluoride gây hại, do đó chỉ nên uống trà với lượng vừa phải.

3. Lưu ý khi uống trà ô long

- Uống trà ô long có tác dụng phụ không?

Nhìn chung, uống trà ô long được coi là an toàn với người khỏe mạnh nếu uống với lượng vừa đủ. Những người nhạy cảm hơn với tác dụng của caffeine có thể gặp phải các triệu chứng như lo lắng và bồn chồn nếu tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine, đặc biệt là với số lượng lớn. Do đó, nếu uống trà ô long mà có các triệu chứng bồn chồn, đau bụng, đau đầu,... hãy kiểm tra lại lượng trà mà bạn đã uống.

Tác dụng ngạc nhiên khi uống trà ô long đối với sức khỏe tim mạch và não bộ- Ảnh 3.

Bạn có thể uống trà ô long vào buổi sáng, đầu giờ chiều, khoảng 30 phút sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ,... (Ảnh: ST)

Người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ dưới 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với khoảng 10 tách trà ô long.

- Thời điểm nên uống trà ô long

Đầu tiên, không nên uống trà ô long sát giờ đi ngủ, đặc biệt nếu bạn bị nhạy cảm với caffeine. Uống trà ô long sát giờ ngủ có thể khiến bạn gặp khó khăn để vào giấc, thậm chí mất ngủ.

Bạn có thể uống trà ô long vào buổi sáng, đầu giờ chiều, khoảng 30 phút sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ,... miễn là không khiến cơ thể cảm thấy khó chịu hay xuất hiện các triệu chứng sức khỏe bất thường nào, ảnh hưởng tới sinh hoạt hay làm việc.

- Cách pha trà ô long

Cách pha trà ô long rất đơn giản, bạn cần sử dụng nước sôi khoảng 90 độ để đảm bảo hương vị trà tốt nhất mà không giảm chất dinh dưỡng trong trà. Hãm lá trà trong nước khoảng 3 phút rồi uống, tùy sở thích mà bạn có thể tráng trà trước hoặc không. Tuy nhiên, hãy lấy lá trà khỏi ấm pha trà sau 10 phút ngâm để giữ nguyên hoạt tính chống oxy hóa trong trà.

Nhìn chung, uống trà ô long có thể đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên cần uống với lượng vừa phải, phụ nữ mang thai và cho con bú muốn uống trà ô long nên tham khảo trước ý kiến bác sĩ. Nếu đang uống thuốc, hãy hỏi bác sĩ trước khi thêm trà ô long vào chế độ thức uống hàng ngày, tránh tương tác thuốc không mong muốn, ảnh hưởng tới quá trình điều trị và phục hồi bệnh.

Nguồn: Health, Healthline, WebMD
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm