Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong bầu cử

PVH
18/05/2021 - 08:30
Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong bầu cử

Tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền về bầu cử được treo trước sảnh chính Nhà Quốc hội tại Hà Nội. Ảnh: Trường Hùng

Nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng chuyển hoạt động tiếp xúc cử tri trực tiếp sang trực tuyến, vừa đảm bảo tiến độ chương trình bầu cử vừa đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch Covid-19 tại các điểm bỏ phiếu cũng đã được xây dựng để đảm bảo an toàn cho Ngày hội lớn sắp đến gần.
Tuân thủ quy định khi tiếp xúc cử tri online

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký Văn bản số 2135/BNV-CQĐP hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đối với Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trước đó, ngày 4/5/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Hướng dẫn 61/HD-MTTW-BTT về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Sự kịp thời, chủ động hướng dẫn của Trung ương đã giúp cho Ủy ban bầu cử các địa phương nhanh chóng xây dựng các kịch bản phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 14/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội đã thay đổi hình thức tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch. Theo đó, hội nghị này chuyển từ tiếp xúc cử tri trực tiếp sang hình thức trực tuyến để người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026 vận động bầu cử qua online với điểm cầu các phường trên địa bàn quận.

Đảm bảo an toàn trong bầu cử - Ảnh 1.

Hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ngày 14/5

Mặc dù tiếp xúc cử tri online, nhưng các bước tiến hành hội nghị vẫn đảm bảo đầy đủ quy trình và đúng theo quy định. Năm ứng viên đại biểu HĐND thuộc đơn vị bầu cử số 11 đã trình bày chương trình hành động của mình. Theo dõi qua màn hình trực tuyến, cử tri thuộc các điểm cầu ở các phường trên địa bàn quận cũng trao đổi, đặt câu hỏi và gửi gắm những kỳ vọng, tâm tư tới các ứng cử viên. Sự tương tác cũng không vì thế mà giảm đi phần sôi nổi, vẫn giữ được sự trao đổi thẳng thắn và có sự tương tác chặt chẽ giữa ứng viên và cử tri.

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Phó Bí thư thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Quận, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quận Bắc Từ Liêm, cho biết: Quận đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến tới tất cả các phường trên địa bàn quận. Với các ứng cử viên vẫn có gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trực tiếp tại trụ sở của quận và có kết nối tới các điểm cầu 13 phường. Đặc biệt, tại các điểm cầu này cũng yêu cầu nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch. 100% các thành phần dự họp đều deo khẩu trang, được đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn; đảm bảo giữ khoảng cách.

Với ngày bầu cử sắp tới, ông Nguyễn Hữu Tuyên cho biết, quận Bắc Từ Liêm đã có xây dựng các phương án phòng chống dịch; trong đó yêu cầu các phường xây dựng kịch bản cụ thể cho từng đơn vị, khu vực bỏ phiếu. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương án nhân sự thay thế nếu thành viên tổ bầu cử bị cách ly. Thậm chí cả phương án thay thế cả khu vực bỏ phiếu nếu bị phong tỏa do Covid-19.

Xây dựng phương án đặc thù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

Với các điểm nóng Covid-19, mới đây Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế. Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly y tế như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều trước đây được xác định là "điểm bỏ phiếu phụ" (do số lượng cử tri ít) thì nay số lượng cử tri đông. Tại điểm nóng này với hơn 3.400 người cách ly, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu huyện Thanh Trì làm việc với lãnh đạo Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, bố trí tại đây 2 thùng phiếu lưu động để cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại đây vẫn được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử. Bên cạnh đó, ủy ban bầu cử cũng có phương án thay thế thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các cấp, trong trường hợp các thành viên là người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc Covid-19 (F1, F2) dẫn đến phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà hoặc do yêu cầu nhiệm vụ.

Đảm bảo an toàn trong bầu cử - Ảnh 2.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi vào các điểm bầu cử

Tại Vĩnh Phúc, địa phương đã trở thành điểm nóng Covid-19 trong những ngày qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch trong thời gian bầu cử. Theo ông Võ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, theo Kế hoạch 107 của UBND tỉnh nêu 3 tình huống phòng chống dịch, cụ thể:

Tại địa phương không có dịch Covid-19, trong quá trình tổ chức các hội nghị, cuộc họp và khu vực bỏ phiếu bầu cử, yêu cầu với người tham dự cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế; Thực hiện khai báo y tế điện tử, cài đặt và bật ứng dụng BlueZone...

Tại địa phương có dịch Covid-19, yêu cầu tổ chức hội nghị, cuộc họp trực tiếp, người tham dự, cần thực hiện thông điệp 5K; Không tổ chức họp quá 20 người trong một phòng họp. Không mời tham dự đại biểu, cử tri ở khu vực cách ly xã hội hoặc phong tỏa tham dự họp. Bố trí hội trường, phòng họp để chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách giữa các đại biểu, cử tri theo quy định...

Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức bầu cử tại địa phương có dịch Covid-19: Tại điểm bỏ phiếu bầu ở nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, cử tri tham gia bỏ phiếu và cán bộ Tổ bầu cử thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa các cử tri. Sát khuẩn tay trước và sau khi bỏ phiếu. Thực hiện theo hướng dẫn quy trình bầu cử, phân luồng đi vào và đi ra theo một chiều tại điểm bỏ phiếu bầu cử.

Đồng thời phun khử khuẩn toàn bộ khu vực tổ chức bầu cử. Xử lý khử khuẩn phiếu, hòm phiếu bầu cử để phòng chống lây nhiễm Covid-19. Thực hiện việc bố trí để cử tri đi bỏ phiếu bầu cử của từng khu vực, điểm dân cư theo từng thời gian nhất định, thực hiện phân luồng từ xa. Các trường hợp cử tri không đến bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử đưa hòm phiếu phụ đến với các cử tri này; đồng thời cần thực hiện các biện pháp về phòng chống lây nhiễm Covid-19 và hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp với cử tri.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 10/5 về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thông báo nêu rõ, mục tiêu cao nhất là tập trung bảo đảm và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23/5/2021 một cách an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự, nhất là phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm