pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để bầu cử trở thành ngày hội của bà con dân tộc thiểu số
Bà con người dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang tìm hiểu các ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Ảnh K. Tiến
Đến thời điểm này, tại tỉnh Hà Giang, công tác chuẩn bị cho ngày Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cơ bản đã hoàn tất. Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Trong đó, các phương tiện truyền thông tuyên truyền các nội dung về cuộc bầu cử bằng tiếng địa phương trên hệ thống loa phát thanh, lưu động tỏa đi khắp các thôn, bản.
Đơn cử như tại xã Má Lé (huyện Đồng Văn – tỉnh Hà Giang), hoạt động tuyên truyền, vận động bà con người dân tộc thiểu số được tập trung đẩy mạnh. Các nội dung về cuộc bầu cử được phát bằng các thứ tiếng như Mông, Dao… trên hệ thống loa phát thanh, lưu động tại các thôn của xã Ma Lé với tần suất 3 lần/ngày với 2.160 lượt.
Những ngày này, từng tuyến đường đều rợp đỏ màu sắc của các pano, băng zôn tuyên truyền về bầu cử. Chị Sùng Thị Mờ, thôn Lèng Sảng, xã Ma Lé, cho biết: Chỉ còn ít ngày nữa là mình được cầm trên tay lá phiếu để bầu ra những người có đức, có tài, có thể làm được nhiều điều thiết thực cho người dân nghèo vùng biên.
Bà Đặng Lê Dung, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), cho biết: thời điểm này đang trong đợt cao điểm thực hiện tuyên truyền, vận động bầu cử, tập trung vào các nội dung cốt lõi như: Mục đích, ý nghĩa Cuộc bầu cử; tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri, các quy định về bầu cử và thể thức bầu cử…
Để phù hợp với đặc thù vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Mê, hoạt động tuyên truyền vận động bầu cử cũng được triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền miệng, thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; tuyên truyền lồng ghép các hội nghị, các buổi họp cơ quan, đơn vị, họp thôn/ tổ dân phố, sinh hoạt các đoàn thể. Đặc biệt là qua hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thị trấn; các trang mạng xã hội: zalo, facebook,...
Còn tại Tuyên Quang, tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với 22 dân tộc cùng sinh sống. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình và sẵn sàng tham gia ngày bầu cử. Bà Giàng Thị Chía, Bí thư Chi bộ - người uy tín của đồng bào Mông ở thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), chia sẻ: Thôn hiện có 35 hộ dân với 99 cử tri, 100% là dân tộc Mông. Để tuyên truyền hiệu quả về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, thôn đã tiến hành họp toàn thôn để tuyên truyền đến bà con.
Ngoài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, bà còn tiến hành tuyên truyền bằng tiếng Mông. Không chỉ tuyên truyền trong các cuộc họp, bà đã đến từng hộ dân để nói chuyện. Tranh thủ lúc đi nương rẫy, bà cũng kết hợp lồng ghép tuyên truyền về cuộc bầu cử… Qua đó, hiện nay tất cả cử tri trong thôn đã hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đến toàn thể nhân dân, đặc biệt, là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng, phát huy vai trò thông tin đại chúng, báo chí, lợi thế tuyên truyền miệng thông qua các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở. Cùng với đó, áp dụng linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực, tổ chức các hoạt động để tuyên truyền…
Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng; tổ chức để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.