Muốn teen nghe lời, hãy áp dụng 5 mẫu câu "chạm vào tim con"

Xuân Lê
18/07/2021 - 15:30
Muốn teen nghe lời, hãy áp dụng 5 mẫu câu "chạm vào tim con"

Nói sao để con nghe lời mình, đó là băn khoăn của nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi mới lớn. Ảnh minh họa

Nói sao để con nghe lời mình, đó là băn khoăn của nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi mới lớn.

Muốn dạy con bằng lời nói thật hiệu quả, ba mẹ nên chú ý 3 điều sau:

1. Nói từng câu một: Cha mẹ càng nói "dông dài", con càng dễ "giả điếc". Vì vậy, mẹ nên nói từng câu một, cho con làm xong việc này hãy giao thêm một yêu cầu khác cho con.

2. Dùng từ đơn giản: Dùng câu ngắn, từ ngữ đơn giản. Cha mẹ hãy nghe cách các con trò chuyện với nhau và tìm hiểu ngôn ngữ của con.

3.Trực tiếp nhìn vào mắt con: Khi muốn con vâng lời, thay vì đứng từ xa quát mắng, cha mẹ nên đến gần và trực tiếp nhìn vào mắt con. Khi đó, lời cha mẹ nói sẽ có hiệu lực hơn!

Ngoài ra, dưới đây là 5 mẫu câu cụ thể mà cha mẹ có thể áp dụng:

1. "Chừng nào ... thì": "Chừng nào con làm xong nhiệm vụ ngày hôm nay thì mẹ sẽ cho con xem tivi, nhưng chỉ được 15 phút thôi nha!" hoặc "Chừng nào con bỏ thói quen thức khuya thì mẹ sẽ bảo bố đưa nhà mình đi ăn thật ngon ở nhà hàng con thích"... Những cách nói này không khó cho cha mẹ mà lại rất dễ thuyết phục các con. Mệnh đề "chừng nào/khi nào, lúc nào" bao hàm ý muốn tích cực hơn so với câu nói bắt đầu bằng từ "nếu" vì nó khuyến khích con sớm hoàn thành những gì đang còn dang dở.

2. "Con đang làm gì đấy, cho bố/mẹ...": Mẹ muốn con tắt điện thoại đi ăn cơm?, vậy thay vì đứng từ xa và quát "Nhanh bỏ điện thoại xuống vào ăn cơm mau", mẹ hãy đi đến tận nơi và xem cùng con và hỏi "Con đang xem gì đấy, cho mẹ xem cùng với nào!" và dành ít giây để nghĩ xem con đang quan tâm điều gì. Con thấy mẹ làm vậy sẽ rất biết nghe lời khi mẹ yêu cầu điều tiếp theo, thay vì chống đối.

3. "Con thích... hơn hay thích... hơn": "Con thích cái áo màu xanh hay trắng hơn?" hoặc "Con thích cuối tuần này nhà mình đi xem phim hay công viên nước?". Những câu hỏi cho phép sự lựa chọn như thế này sẽ giúp con cảm thấy mình rất có tiếng nói và được tôn trọng. Do đó con sẽ dễ dàng đưa ra sự lựa chọn nhanh nhất theo sở thích và ý muốn của mình.

4. "Kể cho mẹ nghe, có chuyện gì vậy?": Đôi khi người lớn cũng không muốn trả lời câu hỏi "Sao anh/chị lại làm thế?" thì làm sao cha mẹ có thể mong con trả lời tường tận khi hỏi "Sao con lại làm thế?". Thay vào đó, cha mẹ hãy nói "Kể cho mẹ nghe xem, có chuyện gì vậy/con vừa làm gì?" và sau đó cha mẹ sẽ có cơ hội hiểu tất tần tật những gì xảy ra mà không cần căng thẳng với con!

5. "Khi con... mẹ cảm thấy.... bởi vì...": Trẻ mới lớn thích mọi thứ phải rõ ràng, đặc biệt là với những thứ con không được làm. Chẳng hạn, cha mẹ có thể nói "Khi con sử dụng điện thoại nhiều, mẹ cảm thấy rất lo lắng bởi vì con có thể sa đà vào những nội dung không lành mạnh, hoặc bỏ lỡ mất thời gian cho việc luyện tập môn học mà con thích". Chỉ cần giải thích cho con hiểu sự việc và cảm xúc của mẹ, con sẽ cảm thấy cha mẹ tâm lý và "có lý" hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm