pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người dân "thủ phủ" cam Cao Phong đứng ngồi không yên với nạn kích điện tận diệt giun đất
Một chủ vườn cam ở Cao Phong treo biển "Cấm kích giun".
Không dám rời mắt khỏi vườn
Thấy chiếc ô tô biển ngoại tỉnh đỗ lại bên cạnh vườn cam của gia đình mình, bà Vũ Thị Ngát vội vàng bỏ dở công việc chạy ra "truy vấn": Các chú là ai, đến đây làm gì, sao lại dừng xe cạnh vườn cam nhà tôi?
Sau khi biết chúng tôi là nhà báo, bà Ngát mới giãi bãy: "Anh thông cảm, thời gian gần đây bọn kích giun lộng hành. Đã có nhiều đối tượng từ nơi khác đến đây kích giun bị người dân bắt nên chúng tôi phải đề phòng".
Vườn cam của gia đình bà Ngát rộng 5.000m2, với 400 cây đã 5 năm tuổi. Để có được vườn cam tươi tốt như hôm nay, gia đình bà Ngát đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức và cả tâm huyết. Vườn cam được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ và năm nay bước vào thu hoạch chính nên được bà Ngát chăm sóc rất tỉ mẩn.
Theo bà Ngát, vì được bón bằng phân hữu cơ nên vườn cam cỏ cây xanh tốt và giun rất nhiều. "Những ngày vừa qua trời mưa, đất đai ẩm ướt nên giun thường ngoi lên sát mặt đất. Đây là vườn cam mà các đối tượng kích giun vô cùng thèm muốn", bà Ngát chia sẻ.
Để bảo vệ vườn cam, gia đình bà Ngát cũng như nhiều hộ khác ở huyện Cao Phong đều rào vườn bằng thép B40 rất cẩn thận. Thế nhưng, nhiều vườn vẫn bị "giun tặc" phá cả hàng rào để đột nhập kích giun.
"Nhiều hộ đã phải lắp camera để theo dõi, gia đình tôi không có điều kiện nên phải canh vườn 24/24. Ngày đi làm đã mệt, đêm còn phải thức để canh vườn, rất mệt mỏi. Những ngày gần đây, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, chúng tôi cũng yên tâm phần nào nhưng chưa thể lơ là cảnh giác", bà Ngát nói.
Người làm thuê… kích giun trong vườn của chủ
Sở hữu trang trại rộng đến 42ha tại thành phố Hòa Bình, trong đó có khoảng 10ha trồng cam và bưởi nhưng anh Nguyễn Tuấn cho biết: "Toàn bộ vườn đã bị xới nát từ lâu, không còn m2 ở vườn chưa bị kích giun".
Theo anh Tuấn, nạn kích giun xuất hiện từ năm 2018 và một năm sau đó bắt đầu "rộ". Thời điểm năm 2019, ngày nào cũng có người vào vườn kích giun. Thời gian đầu họ còn xin với lý do "vào bắt mấy con giun thôi". Thế nhưng, sau khi bị từ chối, họ vẫn lén lút đột nhập vào kích trộm.
Dù đã thuê 2 người vừa làm vườn, vừa bảo vệ nhưng do diện tích quá lớn nên ngày nào vườn nhà anh Tuấn cũng có người kích giun "viếng thăm". Mỗi lần ra vườn, thấy cỏ héo úa, ruồi nhặng bay như trấu, anh Tuấn biết là đã có đối tượng đến kích giun.
Không tiếc tiền đầu tư hệ thống camera hiện đại, anh Tuấn như chết lặng khi biết những kẻ "trộm" giun không chỉ người lạ mà có rất nhiều người quen là những người trong xóm và… cả người làm thuê cho anh.
"Nhiều người trong xóm bị tôi bắt quả tang, họ chỉ cười trừ. Thậm chí, vì hám lợi nên những lúc tôi không có ở vườn, người làm thuê cũng mua kích điện để kích giun mang bán. Xem camera tôi như chết lặng", anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo anh Tuấn, dụng cụ của những "giun tặc" rất đơn giản, chỉ cần một chiếc máy kích giun công suất lớn nối với hai que sắt cắm xuống đất, chỉ sau vài chục giây các loại giun lớn nhỏ chui lên khỏi mặt đất và bị bắt. Số giun này được bán cho các lò sấy với giá từ 50-70 nghìn đồng/kg. Vì nguồn lợi rất lớn nên có thời điểm người dân ồ ạt sắm kích để đi bắt giun.
Chưa có chế tài xử lý
Ông Bùi Văn Hưng, Phó Trường Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết, năm nay tái diễn và bùng phát tình trạng kích giun trên địa bàn huyện. Mặc dù xác định kích giun bằng điện sẽ "tận diệt" môi trường nhưng hiện nay chưa có chế tài nào để xử lý, xử phạt những người kích giun trộm mà mới chỉ dừng lại ở việc thu giữ máy kích điện và nhắc nhở.
"Chưa có công trình nào nghiên cứu việc kích giun bằng điện ảnh hưởng thế nào đến cây trồng nhưng với việc dòng điện phóng xuống đất không chỉ giun phải trồi lên, mà còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất, mất cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường. Đất không có giun làm tơi xốp, kết cấu đất bị ảnh hưởng, tác động đến bộ rễ và sự sinh trưởng", ông Hưng nói.
Trong báo cáo của Công an huyện Cao Phong gửi Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cũng viết: Vì lợi nhuận mà một số người dân bất chấp việc tuyên truyền, giải thích ngăn chặn mà cố tình thực hiện với phương thức tinh vi hơn, chuyển từ công khai sang hoạt động bí mật, thay đổi nhiều địa điểm để tránh bị phát hiện.
"Đối với hành vi sử dụng xung kích điện để bắt giun đất đến nay pháp luật vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết triệt để", báo cáo của Công an huyện Cao Phong cho biết.
Trong khi đó, UBND huyện Cao Phong cũng đã có Công văn chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn cùng vào cuộc nhằm xóa bỏ nạn kích giun. Công văn nêu rõ:
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng một số người dân sử dụng kích điện để bắt giun trong đất bán cho các thương lái. Nếu dùng kích điện để bắt giun là hành vi hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học. Khi giun đất bị chết, các sinh vật khác trong đất cũng chết theo, làm cho đất bị khô cằn, chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn… tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện để xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hình vi bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trái quy định của pháp luật…
Người dân ở huyện Cao Phong cho biết, từ khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, bắt nhiều được nhiều đối tượng và dụng cụ kích giun, tình trạng "giun tặc" đã tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, người dân chưa thể yên tâm vì hành vi bắt giun pháp luật vẫn chưa có chế tài xử lý.
"Cần phải có chế tài xử phạt kích giun như kích cá. Với việc bắt rồi lại thả như hiện nay rất khó để xử lý triệt để nạn kích giun đất bằng điện. Vì nguồn lợi rất lớn nên việc thu giữ dụng cụ hay dẹp các lò thu mua, sấy giun chỉ là xử lý phần ngọn. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm đưa ra chế tài bởi tận diệt giun là hủy hoại môi trường, hủy hoại sản xuất nông nghiệp, hành vi quá nghiêm trọng", anh Nguyễn Tuấn chia sẻ.